Số hóa nông nghiệp - Bài 4: Không để nông dân “tự bơi”

03/06/2024 06:38

Số hóa nông nghiệp không đơn thuần là mở những lớp tập huấn, mà cần cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp; sản xuất phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số.

Cuối tháng 5, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND huyện Sa Thầy mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng bền vững cho nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện.

Nhiệm vụ cơ bản của lớp tập huấn là truyền đạt cho nông dân kỹ thuật canh tác bền vững và tiên tiến, bao gồm quản lý dinh dưỡng, dịch bệnh; ứng dụng công nghệ trong tưới nước, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng mã số vùng trồng.

Tại tỉnh ta nói chung, huyện Sa Thầy nói riêng, sầu riêng đã được trồng từ lâu, tuy nhiên những năm gần đây mới được quan tâm và đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Dù là loại cây tương đối “khó tính”, nhưng nếu được trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sầu riêng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác.

Số hóa nông nghiệp là tất yếu. Ảnh: H.L

 

Chúng tôi cần những lớp tập huấn như thế này. Nó cung cấp những kiến thức cần thiết cho quá trình trồng và chăm sóc sầu riêng. Đặc biệt, qua đó chúng tôi có suy nghĩ về đổi mới cách làm nông nghiệp, từ truyền thống sang hiện đại- một nông dân trồng sầu riêng nói.

Nhưng số hóa nông nghiệp không đơn thuần là mở những lớp tập huấn như nói trên, mà đòi hỏi hệ thống cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư xây dựng các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu ngành nông nghiệp và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số.

Cụ thể hơn, đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, như công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học, di truyền, phân tích hệ gen, nuôi cấy mô, thương mại điện tử…

Để đáp ứng được những nhiệm vụ trên đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn cho xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; phát triển hạ tầng cho các vùng trồng, chăn nuôi tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nguồn nhân lực.

Thúc đẩy kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghệ, startup về lĩnh vực số hóa; xây dựng các chuỗi giá trị nông sản thông minh, hiện đại; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh cho nông dân.

Bởi vậy, trong quá trình này, nông dân khó có thể tự thực hiện, dù chỉ là một trong những nội dung kể trên. Nhiều nông dân cho biết rằng, họ sẵn sàng và mong muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhưng điều kiện không cho phép.

Thứ nhất, họ không, hoặc chưa hiểu biết nhiều về công nghệ, nên rất băn khoăn, e ngại. Thứ hai, họ không có vốn, và cũng chưa dám mạo hiểm vay vốn để đầu tư.

Chúng tôi cần có những “đầu tàu” để hướng dẫn, hỗ trợ về nhân lực, nguồn vốn và “dẫn dắt” đi trên chặng đường mới này- họ nói.

Đơn cử, nhiều nông hộ muốn ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác (ONE Farm) của VNPT vào sản xuất. Công nghệ IoT, tự động hóa của giải pháp này hỗ trợ nông dân kiểm soát chặt chẽ từ canh tác tới phân phối sản phẩm ra thị trường, giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.

Lợi ích thấy rất rõ, nhưng trình độ, kỹ năng số cũng như nguồn lực của họ không thể đáp ứng, cần có người hỗ trợ đưa giải pháp này vào thực tế sản xuất trên đồng ruộng.

Công nghệ cao giúp kiểm soát toàn bộ quá trình tưới nước, bón phân, phun thuốc cho sầu riêng. Ảnh: HL

 

Cần khẳng định rằng, số hóa là chặng đường phải đi, bởi đó là một phần quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh ta đã xác định trong Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy.

Nhưng đây cũng chắc chắn là con đường khó khăn, bởi nông nghiệp công nghệ cao ở tinh ta có xuất phát điểm thấp, đi cùng đó là nhiều rào cản khách quan lẫn chủ quan. 

Vì vậy, để số hóa thành công, ngành nông nghiệp cần phải triển khai các giải pháp trên nhiều phương diện. Trong đó, Nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã cần thể hiện vai trò rõ ràng hơn trong hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, không để họ “tự bơi”.

Trong đó, quan tâm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai, hình thành "cánh đồng lớn" để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ tại các nơi thuận lợi.

Thu hút, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, nhất là đổi mới mô hình quản trị và đẩy mạnh tự động hóa, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trụ cột, dẫn dắt; hợp tác xã tập hợp nông dân để tích tụ ruộng đất và tạo nguồn lực ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Trên thực tế hiện nay, phần lớn hợp tác xã cũng mới tập trung ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng.

Số hóa nông nghiệp không phải là “copy” và “paste” lẫn nhau, bởi sản xuất nông nghiệp của mỗi địa phương có đặc thù về khí hậu thổ nhưỡng, tưới tiêu, trình độ sản xuất. Vì vậy, cần có sự đầu tư nghiên cứu bài bản và cụ thể nhằm đưa ra định hướng phù hợp.

Cần đẩy mạnh giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản, "đưa chợ về vườn", đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng.

Và quan trọng nhất là, số hóa nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, lấy nông dân làm trung tâm; mọi chính sách phải hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã.     

Hồng Lam

Chuyên mục khác