01/06/2024 07:07
Có thể khẳng định rằng, chuyển đối số trong ngành nông nghiệp đứng trước cơ hội rất lớn để ứng dụng rộng rãi trên các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đến thủy sản
Trước hết, như đã đề cập, thời gian qua, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, theo đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.
Hiện nay, hàng nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thu tiền tỷ trên chính những mảnh vườn, thửa ruộng, chuồng trại của mình nhờ chuyển đổi số.
Không chỉ vậy, nhiều nông dân còn dẫn dắt nông dân khác cùng nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
|
Đồng thời, chuyển đổi số trong nông nghiệp đang được hưởng lợi từ chính sách phát triển hạ tầng số. Hiện tỉnh ta có hạ tầng số được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu, với 100% xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G; hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 97,7% số thôn được phủ sóng 4G.
Mặt khác, đã có khoảng 66,44% dân số trưởng thành và 79,79% hộ gia đình có điện thoại thông minh; 48,33% hộ gia đình có cáp quang băng rộng; 100% xã, thôn thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng với hàng nghìn thành viên.
Toàn tỉnh có hơn 143.000 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; 77.400 tài khoản đang hoạt động trên các sàn giao dịch điện tử- một báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông cho hay.
Các giải pháp số, ứng dụng số, sàn thương mại điện tử dành cho nông dân được hình thành và phổ biến rộng rãi. Nhờ vậy, hiện nay nông dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ gia đình, thậm chí đến từng cây trồng, vật nuôi.
Một thuận lợi nữa là nhiều hộ nông dân đã biết chuyển đổi số là cơ hội để tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển.
Nhiều nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau mà tôi gặp, khi được hỏi, đã cho biết họ muốn thực hiện số hóa trong sản xuất. Điều đó cho thấy, nông dân không hề thờ ơ, mà trái lại, rất quan tâm đến số hóa.
|
Tuy nhiên, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức.
Đó là quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ và phân tán; các khâu sản xuất, trao đổi, mua bán vẫn mang tính truyền thống; quản lý dịch hại, năng suất và chất lượng nông sản vẫn chủ yếu bằng kinh nghiệm.
Đó là, phần lớn nông dân còn e ngại trong việc chuyển đổi số, nhất là nông dân ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, không nắm được những việc cần phải làm để tiến hành chuyển đổi số.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ, nên việc ứng dụng số hóa khó thực hiện.
Ngay cả khi có thể thực hiện thì cũng rất tốn kém, bởi nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần mức đầu tư lớn hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống. Phần lớn nông hộ nhỏ lẻ không đủ điều kiện, và cũng không dám đầu tư, khi mà họ còn khó khăn trong cuộc sống và sản xuất.
Thực tế hiện nay cho thấy, người dân, thậm chí là cả doanh nghiệp, hợp tác xã, đều thiếu vốn để ứng dụng chuyển đổi số, trong khi đó, việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lại không hề dễ dàng. Đây chính là “điểm nghẽn” rất khó giải quyết.
Anh Nguyễn Văn Thương, một nông dân ở thành phố Kon Tum đã ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất nhìn nhận, số hóa đem lại bước tiến lớn về năng suất, chất lượng nông sản, giúp bà con tăng thu, giảm chi, nhưng không phải ai cũng có thể làm được.
Đó còn là sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ. Các công nghệ hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng.
Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế nên khó tiếp cận và làm chủ công nghệ tiên tiến. Cả nông dân và doanh nghiệp đều hạn chế về kiến thức và kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử.
Cơ sở dữ liệu khoa học về môi trường, thị trường, công nghệ còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến sự lan tỏa tinh thần cũng như mức độ ứng dụng chuyển đổi số trong nông dân.
Thẳng thắn mà nói, việc số hóa nông nghiệp là một quá trình có nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần sự vào cuộc của Nhà nước, của doanh nghiệp; phát huy được mối liên kết, tương hỗ giữa nông dân, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Và nhất là không để nông dân “tự bơi”. Mỗi địa phương cần có các doanh nghiệp nông nghiệp “đầu tàu”, sẵn sàng đầu tư thực hiện số hóa để dẫn dắt hợp tác xã, nông dân chuyển đổi số.
(Còn nữa)
Hồng Lam