Số hóa nông nghiệp- Bài 2: Những kết quả bước đầu

31/05/2024 06:34

Tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Với sự nhập cuộc chủ động và đầy quyết tâm, tỉnh ta đã có những bước tiến đáng ghi nhận.

Là tỉnh nông nghiệp, Kon Tum đã nhanh chóng bắt nhịp xu thế số hóa trong nông nghiệp với tâm thế chủ động, từ đó đem lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Đáng chú ý là tháng 11/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Đến năm 2025, nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao của tỉnh chiếm 25-30% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; toàn tỉnh có 10 vùng nông nghiệp, 15 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao.

Để phấn đấu đạt các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng, chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao.

Với sự vào cuộc quyết liệt ấy, việc số hóa trong ngành Nông nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón...) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Đến nay, tổng diện tích sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt gần 8.000 (trong đó, diện tích sản xuất rau, củ, quả, hoa khoảng 300ha); diện tích cà phê, tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến khoảng 7.000ha, diện tích cây ăn quả gần 600ha.

Nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ảnh: HL

 

Công nghệ nhà màng, nhà kính ứng dụng rộng rãi. Ảnh: HL

 

Phương thức sản xuất công nghệ cao ngày càng được ứng dụng nhiều vào sản xuất, trồng trọt, như công nghệ tự động, bán tự động trong tưới nước, bón phân; máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý dịch bệnh; công nghệ sinh học trong sản xuất phân bón, quản lý dịch hại cây trồng; công nghệ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, công nghệ nhà màng, nhà kính.

Tỉnh đã thành lập được Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (tổng diện tích 170ha); 1 vùng sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đăk Hà (cà phê vối, quy mô gần 2.000ha).

UBND tỉnh cũng đã công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm Công ty TNHH MTV Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà).

Một số cơ sở sản xuất bắt đầu ứng dụng công nghệ tự động hóa trong trồng, chăm sóc; công nghệ thông minh IOT trong sản xuất; công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Số hóa còn phát huy vai trò trong quảng bá sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nông sản, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Theo thống kê, đã có  hơn 2.600 sản phẩm của tỉnh được đăng ký trên các sàn thương mại điện tử, đứng thứ 25 toàn quốc; có trên 15.000 giao dịch trên sàn thương mại điện tử; có 77.400 tài khoản đang hoạt động trên các sàn giao dịch điện tử.

Thành công của Hợp tác xã Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) khi áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc và nhãn mác để quảng bá sản phẩm là một minh chứng.

Năm 2023, với sự hỗ trợ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản tỉnh, Hợp tác xã Ngọc Linh đã mạnh dạn bổ sung tem truy xuất nguồn gốc và thiết kế nhãn mác sản phẩm của mình.

Theo đại diện hợp tác xã, từ trước đến nay, hợp tác xã vẫn áp dụng phương pháp truyền thống trong tất cả các khâu, từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế và tiếp thị, cung cấp sản phẩm ra thị trường. Các thành viên cũng cho rằng chỉ cần ổn định như vậy là được, khách hàng cũng đã quen thuộc.

Tuy nhiên, càng ngày sản phẩm làm ra càng phải chịu áp lực từ sản phẩm giả mạo và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Khi có sự tư vấn của cơ quan chuyên môn, hợp tác xã đã quyết định thay đổi.

Tem điện tử truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhãn mác được thiết kế bắt mắt, phản ánh đặc điểm riêng của sản phẩm và thương hiệu của hợp tác xã.

Từ khi áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nhãn mác, chúng tôi tiếp cận được nhiều thị trường mới, khách hàng tin tưởng hơn, từ đó tăng cường uy tín cho sản phẩm đại diện hợp tác xã chia sẻ.

Rõ ràng là số hóa đem lại không gian phát triển phía trước cho chủ thể.

(còn nữa)

Hồng Lam

Chuyên mục khác