Số hóa nông nghiệp - Bài 1: Số hóa nông nghiệp là gì?

30/05/2024 13:06

Thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tận dụng cơ hội để số hóa mạnh mẽ sẽ là “chìa khóa” nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Không nghi ngờ gì nữa, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức làm việc của nông dân.

Hơn 6h, tại một khu vườn hơn 1ha ở xã vùng ven thành phố Kon Tum, anh Nguyễn Văn Thương đang kiểm tra độ pH của đất. Anh dùng cây gậy tạo 1 lỗ trong đất, sau đó thêm nước nguyên chất, nước khử ion để đất đủ ẩm rồi cắm thiết bị đo pH vào lỗ ẩm và chờ đọc kết quả.

Đây là công việc thường xuyên của tôi. Đo độ pH đóng một phần quan trọng trong chăm sóc các loại cây trồng. Nếu pH trung tính (khoảng 6 và 7) thì cây sinh trưởng tốt; độ pH thấp (dưới 5) hoặc cao (hơn 8) sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, buộc phải can thiệp- anh Thương cho hay.

Ngoài ra, anh Thương còn thực hiện các thao tác kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng, chất dinh dưỡng; ghi nhật ký trên điện thoại để theo dõi quá trình sinh trưởng của rau và các loại cây trồng khác.

Trước đó, anh phải học thuộc những kiến thức, kỹ thuật, quy trình mới trong trồng trọt, như phòng trừ sâu bệnh đúng cách; vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt; hệ thống bón phân tự động. Những khâu này được thực hiện để đảm bảo rằng, sản phẩm đưa ra thị trường là an toàn.

Và tất cả đều rất mới mẻ với anh Thương- một nông dân đã trồng rau từ nhỏ, hay như anh nói vui là “mấy đời trồng rau”. Trước đây, tất cả các khâu trồng và chăm sóc đều theo kinh nghiệm; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng vậy.

Số hóa thúc đẩy liên kết chặt chẽ hơn trong chuỗi giá trị. Ảnh: H.L


Khi yêu cầu về năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên, chúng tôi buộc phải thích ứng, tức là thay đổi mình, nếu muốn tồn tại. Và cách tốt nhất là nắm bắt và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, trong đó có tự động hóa các khâu sản xuất- anh Thương chia sẻ.

Anh Thương xác nhận rằng, một số khâu trong chăm sóc, như tưới nước, bón phân, được tự động hóa sẽ giảm chi phí nhân công, phân bón, bảo vệ sức khỏe và môi trường lại đảm bảo đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của cây, từ đó nâng cao năng suất cây trồng và góp phần bảo vệ môi trường.

Trước đây, khi pha chế thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón, anh Thương thực hiện bằng phương pháp thủ công, sau đó tiến hành tưới, cũng thủ công nốt, nên không thể đảm bảo rằng đã cũng cấp đúng, đủ liều lượng, có thể thừa hoặc thiếu.

Nhưng có hệ thống tự động, từ phối trộn thuốc (hoặc phân bón), phun đến từng khu vực, tôi có thể kiểm soát được liều lượng, chủ động thời gian và bảo vệ sức khỏe của mình- anh Thương nhấn mạnh.

Và như vậy, hơn ai hết, anh Thương hiểu rõ vai trò và hiệu quả của số hóa trong nông nghiệp. “Nó đem lại bước tiến lớn về năng suất, chất lượng nông sản, giúp bà con tăng thu, giảm chi”- anh Thương nói ngắn gọn.

Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu rõ chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Trên mọi phương diện của cuộc sống, từ làm việc, ăn uống, đi lại, đã thay đổi mạnh mẽ cùng với sự trỗi dậy của chuyển đổi số.

Và dù muốn dù không, nông nghiệp cũng không thể nằm ngoài sự chuyển động tất yếu ấy. Thậm chí, số hóa đang dần thể hiện vai trò động lực để nông nghiệp khẳng định chỗ đứng, cạnh tranh lại với các lĩnh vực khác.

Vậy số hóa nông nghiệp là gì?

Công nghệ tưới tự động đang được ứng dụng mạnh mẽ. Ảnh: HL

 

Theo cách hiểu phổ biến, số hóa nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tất nhiên, số hóa nông nghiệp không chỉ đơn giản là lắp đặt giàn tưới nhỏ giọt, phun sương hay hệ thống bón phân tự động. Mà là một những hoạt động áp dụng công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành. Từ đó làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Tức là nông dân có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ gieo trồng, chăm sóc cây trồng đến thu hoạch và đưa sản phẩm ra thị trường, giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm lãng phí và tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, số hóa thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, nghĩa là các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp sẽ được gắn kết một cách tự nhiên với nhau theo chuỗi giá trị. Hay đúng hơn, số hóa sẽ giúp giải quyết bài toán kết nối một cách dễ dàng.

Kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường, cũng như kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường sẽ trở nên chặt chẽ hơn; sự tương tác giữa các “thành phần” với nhau cũng trở nên thuận lợi hơn.

Đồng thời, việc số hóa toàn bộ quy trình, từ sản xuất và thu hoạch đến nhập kho và phân phối sẽ thay đổi phương thức quản trị sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp quy trình trở nên minh bạch và hiệu quả cao hơn, vận hành trơn tru hơn, từ đó tăng hiệu quả điều hành, tối ưu chi phí, năng suất.

(Còn nữa)   

Hồng Lam

Chuyên mục khác