Siết quản lý, kiểm soát giết mổ động vật

05/03/2024 13:46

Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 4/3 của Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Lò giết mổ gia súc tập trung ở thành phố Kon Tum. Ảnh: HL

 

Chỉ thị nêu rõ: Trong các năm vừa qua, các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện xây dựng, đưa vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy và thành phố Kon Tum.

Công tác quản lý hoạt động giết mổ, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện; hầu hết sản phẩm động vật sau khi giết mổ đã được cơ quan thú y thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y trước khi được đưa ra thị trường tiêu thụ, đã góp phần an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và an toàn dịch bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo tổ chức quản lý hoạt động giết mổ, triển khai thực hiện công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật theo đúng quy định.

Cơ sở giết mổ động vật tập trung tại một số huyện đã có một số hạng mục công trình xuống cấp, nguy cơ gây ảnh hưởng đến vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật theo đúng quy định của pháp luật, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quản lý, kiểm tra hoạt động giết mổ, thực hiện kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định pháp luật. Tránh tình trạng chủ quan, lơ là dẫn đến gây mất vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh động vật. 

Tổ chức thông tin, tuyên truyền vận động để nhân dân, các chủ cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật biết, chấp hành tốt các quy định, chủ trương, chính sách của Nhà nước về xây dựng các cơ sở giết mổ động vật tập trung và các hoạt động liên quan giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.

Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các trường hợp kinh doanh động vật, giết mổ động vật trái phép, các trường hợp vi phạm để người dân biết và cùng giám sát.

Tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, giết mổ động vật trên địa bàn; bố trí đầy đủ nhân viên thú y thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành về thú y.

Tăng cường kiểm tra các hoạt động giết mổ động vật, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; bố trí, sắp xếp các địa điểm mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, trung tâm thương mại theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các điểm giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật tự phát, trái quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai quy định của pháp luật về các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật, sơ chế sản phẩm động vật, kinh doanh sản phẩm động vật.

Hằng năm, phối hợp với các địa phương, các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý kiểm soát giết mổ và quy trình kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ động vật.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên thú y được phân công làm công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn các huyện, thành phố.

Hồng Lam

Chuyên mục khác