Sản xuất tinh bột sắn: ​Xuất khẩu đình trệ, doanh nghiệp gặp khó

12/01/2017 18:58

​Ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, 6 doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở tỉnh Kon Tum đều rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn do việc xuất khẩu gần như đình trệ.

Sản xuất cầm chừng, sản phẩm chứa đầy kho đang là thực tế chung tại các nhà máy sản xuất tinh bột sắn ở tỉnh Kon Tum. Theo các doanh nghiệp, thời điểm này việc xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính sản phẩm tinh bột sắn gần như đình trệ.

Sản phẩm đầy kho mà không thể tiêu thụ. Ảnh: K.Đ

 

Lý do là các nhà máy Trung Quốc đã mua đủ sản lượng phục vụ sản xuất từ nay tới tết và chưa có kế hoạch mua nguyên liệu cho năm mới. Ngoài ra từ cách đây 2 tháng, nhiều nhà máy ở nước này phải đóng cửa nâng cấp để đạt các chỉ số về môi trường nên đã tạm ngưng nhập khẩu.

Trước thực tế trên, mặc dù đang trong thời điểm chính vụ sản xuất, song các nhà máy chế biến tinh bột sắn phải hoạt động rất cầm chừng. Ông Huỳnh Nam Giang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Tây Nguyên- Đăk Hà, cho biết: Hiện giờ nhà máy mua nguyên liệu chủ yếu là duy trì để cho bà con có tiền ăn tết chứ doanh nghiệp gần như không xuất khẩu được. Nhà máy mua mì sản xuất rồi sản phẩm để đấy trong khi phải vay tiền ngân hàng rất mạo hiểm. Bây giờ số lượng bán tinh bột mì cả nước không tới 10% so với sản lượng mỗi ngày sản xuất ra. Sản xuất được 10 bán được 1 thôi.

Về nguyên nhân dẫn đến việc năm nay các nhà máy sản xuất tinh bột sắn mua nguyên liệu của người nông dân với giá thấp, doanh nghiệp cho rằng, do Thái Lan được mùa mì cộng với việc nước này áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nên hạ được giá thành sản phẩm tạo áp lực cạnh tranh về giá với thị trường quốc tế. Ngoài ra tại Trung Quốc giá bột bắp năm nay thấp, các nhà máy lựa chọn bột bắp thay thế tinh bột mì làm nguyên liệu sản xuất nên hạn chế nhập khẩu.

Khoa Điềm  

Chuyên mục khác