Sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết

30/10/2019 13:01

Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, thành phố Kon Tum còn đẩy mạnh việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Hướng đến sản xuất nông nghiệp tập trung, vụ mùa 2019, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (xã Đoàn Kết) đã triển khai mô hình Gạo sạch Đoàn Kết với quy mô 5,65ha.

Với mục tiêu đặt ra, Hợp tác xã đã thu hút 30 hộ dân tại thôn 5 thực hiện. “Chúng tôi tập trung các hộ dân có diện tích ruộng liền kề nhau để thực hiện đồng nhất về giống, về quy trình và đồng nhất về sản phẩm, hướng đến sản xuất hàng hóa” - ông Lê Tấn Bửu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết cho biết.

Để tạo điều kiện cho các hộ tập trung sản xuất, mỗi sào, Hợp tác xã đã hỗ trợ cho mượn 15kg giống Đài thơm 8; đồng thời hỗ trợ máy móc, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ thực hiện 4 cùng (cùng làm đất, cùng xuống giống, cùng chăm bón và cùng thu hoạch). Bên cạnh đó, để thực hiện đúng mục tiêu gạo sạch, các hộ nông dân cũng thống nhất sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm khi thu hoạch.

Các hộ dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap có đầu ra ổn định. Ảnh: HT

 

Được hỗ trợ thực hiện, ông Đoàn Văn Hồng hồ hởi cho biết: Tham gia vào mô hình, chúng tôi được thực hiện bài bản, có kỹ thuật, cơ giới hóa tất cả các khâu từ làm đất, xuống giống, thu hoạch… nên ai nấy đều rất vui mừng. Tôi gieo trồng 1,4 sào, nay chưa đến thời điểm thu hoạch nên chưa đánh giá chính xác được năng suất, tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ, chắc chắn chất lượng lúa gạo sẽ đảm bảo.

Không chỉ hỗ trợ sản xuất, Hợp tác xã còn hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, làm các thủ tục, đăng ký logo nhãn mác, bao bì, xây dựng thương hiệu gạo Đoàn Kết. “Sau vụ mùa này, nếu thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn những hộ dân có vị trí ruộng tại vùng thủy lợi thuận lợi, nhân rộng mỗi vụ thêm 6-7ha. Trước mắt, việc xây dựng mô hình đã đảm bảo theo tiêu chí quy mô cánh đồng lớn của tỉnh, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con. Việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi liên kết là hướng phù hợp vừa giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản nói chung, gạo Đoàn Kết nói riêng, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững” - ông Bửu cho hay.

Không riêng mô hình gạo sạch Đoàn Kết, trên cơ sở các chương trình về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ban Thường vụ Thành ủy Kon Tum đã chỉ đạo UBND thành phố xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu gắn với dồn đổi, tích tụ đất đai trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thực hiện theo kế hoạch đặt ra, thành phố đã xây dựng được 1 vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao theo quy mô cánh đồng lớn (3ha) tại tổ 4, phường Thắng Lợi. Ông Lê Tuấn - một trong những hộ dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap của Tổ hợp tác Sản xuất rau VietGap 01-5 phường Thắng Lợi cho biết: Trước đây chúng tôi được thành phố hỗ trợ nhà màng để thực hiện việc trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap. Sau khi dự án kết thúc, gia đình chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư nhà màng để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất. Ngoài việc sử dụng phân chuồng, phun thuốc đảm bảo thời gian cách ly, chúng tôi còn ghi lịch sản xuất cụ thể để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Khi làm trong nhà màng, vào mùa mưa, rau không bị dập, bị hư, tiết kiệm đất để sản xuất hiệu quả.

Mô hình gạo sạch Đoàn Kết đảm bảo theo quy mô cánh đồng lớn. Ảnh: HT

 

Ông Nguyễn Xuân Ninh - Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin: Đến nay, thành phố đã có các sản phẩm an toàn để đăng ký nhãn hiệu, có nguồn gốc xuất xứ; có 4 cửa hàng bán rau an toàn theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài các cửa hàng rau, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Kinh tế làm việc, rà soát các thủ tục, quy trình để đưa sản phẩm rau vào các siêu thị trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng người dân đổi mới cách thức tổ chức sản xuất, đảm bảo theo đúng quy trình VietGap, trên cơ sở đó đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại để đảm bảo cung ứng vào siêu thị. Chúng tôi cũng yêu cầu tổ hợp tác chủ động làm việc trực tiếp với Siêu thị Coopmart và Vinmart để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tới đây, sẽ đưa khoảng 10 sản phẩm rau an toàn của phường Thắng Lợi vào siêu thị.

Ngoài mô hình gạo sạch, rau an toàn, đến nay, thành phố đã có 7 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Chuỗi liên kết sản xuất rau củ quả an toàn thực phẩm; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê vối theo tiêu chuẩn 4C, UTZ; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu mía ứng dụng công nghệ cao; chuỗi liên kết trồng cây thức ăn chăn nuôi; chuỗi liên kết sản xuất dược liệu; chuỗi liên kết sản xuất chanh dây; chuỗi liên kết sản xuất mì.

Năm 2019, thành phố đã giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho từng xã, phường để chủ động thực hiện. Sau khi rà soát, UBND thành phố đang xem xét, xin ý kiến bổ sung Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Đăk Rơ Đe, xã Ngọc Bay với quy mô khoảng 75ha. Ông Ninh cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc sản xuất các sản phẩm, đồng thời quy hoạch rõ ràng vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì… để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.                  

Hoài Tiến

Chuyên mục khác