“Sản xuất sạch” - Hướng đi bền vững cho Hợp tác xã nông nghiệp

06/07/2019 06:02

Để tồn tại, phát triển trong nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phải tự đổi mới trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ và liên kết sản xuất. Hiện nay, mô hình “sản xuất sạch”, thân thiện với môi trường là hướng đi đúng đắn và là mục tiêu bền vững mà nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hướng đến...

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất sạch

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 68 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 1.368 xã viên; trong đó có 66 HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Có khoảng 60% số HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước khẳng định được uy tín trên thị trường, như các HTX Sáu Nhung, Thần Nông, Hợp Thành, Hải Tình, Nông nghiệp Tuyết Sơn, Công bằng Pô Kô, Đoàn Kết…

Từ sự giới thiệu của Liên minh HTX tỉnh, chúng tôi tìm hiểu thực tế tại HTX Đoàn Kết (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy). Được thành lập từ năm 2007 với 7 thành viên, những năm đầu thành lập, HTX Đoàn Kết chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác mủ cao su, nhưng đến năm 2014, nắm bắt xu hướng của thị trường, HTX quyết định chuyển hướng sang sản xuất trái cây sạch.

Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, đến nay, HTX Đoàn Kết đã có hơn 15ha cây ăn quả, bao gồm cam, bưởi, quýt, ổi, na Thái, sầu riêng, dưa lê, dưa lưới... Quy trình sản xuất được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ; từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc đều theo tiêu chuẩn “sạch hoàn toàn”, nghĩa là không dùng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản; hệ thống nước tưới được đầu tư bài bản, phun tưới tự động...

Vườn trái cây sạch của HTX Đoàn Kết (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy). Ảnh: VP

 

Ông Nguyễn Văn Xuân - Giám đốc HTX Đoàn Kết cho biết, qua nghiên cứu thị trường, nhận thấy nhu cầu trái cây sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng, trong khi trên địa bàn chưa có ai phát triển mô hình này, vì vậy, chúng tôi đã quyết định trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, có thể thấy nhiều loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất cao, vì vậy HTX đã mở rộng quy mô sản xuất. Sản phẩm của HTX có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn nên tiêu thụ tốt, hiện chỉ đủ cung ứng cho thị trường huyện Sa Thầy và một vài địa phương lân cận.

Hiện chúng tôi đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của HTX để vươn tới những thị trường lớn hơn- ông Nguyễn Văn Xuân chia sẻ.

Tương tự, HTX Thần Nông (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường với các sản phẩm nông sản sạch, như ổi, bơ, sầu riêng, thanh long ruột đỏ..., được Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 2 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGap; được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất (tưới tiêu phun mưa tự động). Quy trình sản xuất được quản lý, kiểm soát chặt chẽ với mục tiêu cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất.

Theo ông Phạm Văn Khiêm - Giám đốc HTX Thần Nông, hiện HTX có tổng diện tích sản xuất hơn 33ha, trong đó, diện tích của các thành viên là 25ha, diện tích sản xuất chung của HTX là hơn 8,5ha, chủ yếu trồng các loại cây ăn quả gồm thanh long ruột đỏ, mít Thái, bơ, sầu riêng...

Tất cả các thành viên tham gia vào HTX đều phải cam kết thực hiện sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật của HTX, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật - ông Phạm Văn Khiêm khẳng định.

Sản xuất trái cây sạch của HTX Thuần Nông. Ảnh: VP

 

Chủ động hình thành các chuỗi liên kết giá trị

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, các HTX trên địa bàn tỉnh chủ động liên doanh, liên kết tương đối đa dạng, như liên kết giữa nông dân với HTX; HTX, Tổ hợp tác (THT) với doanh nghiệp; HTX với HTX... Việc liên kết được thực hiện trong nhiều khâu, từ cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Điều đó  mang lại giá trị bền vững cho sản phẩm của người dân và sự phát triển của HTX.

Đơn cử như chuỗi giá trị cà phê của HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà). HTX liên kết với 104 hộ dân với tổng diện tích cà phê là 300ha. Toàn bộ diện tích của HTX được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGap, được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Các sản phẩm của HTX đều được quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký thương hiệu, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số, mã vạch. Hiện nay sản phẩm cà phê Sáu Nhung được thị trường ưa chuộng và có mặt trên toàn quốc.

Hay như  HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn (huyện Kon Plông) đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông), qua đó, HTX thu mua và bao tiêu tất cả sản phẩm hồng đẳng sâm, đương quy... của người dân trên địa bàn xã. Ngoài ra, HTX chủ động liên kết với một số doanh nghiệp và các đại lý bán lẻ tại một số tỉnh, thành phố để tiêu thụ các loại sản phẩm cao sâm hỗn hợp, cao sâm đương quy, cao hồng đẳng sâm, cao sâm cau, cao cẩu tích...

HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô (Pô Kô Farms, huyện Đăk Hà) cũng thực hiện liên kết với Công ty cà phê Huy Hùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xuất khẩu cà phê ra thị trường Châu Âu và Mỹ. Năm 2009, Pô Kô Farms là một trong những cơ sở sản xuất cà phê nhỏ đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận Fairtrade (là cà phê được chứng nhận đã thỏa mãn các tiêu chuẩn thương mại công bằng) của Tổ chức Quốc tế Fairtrade (ID FLO: 21473). Đến nay, Pô Kô Farms đã có 118 thành viên tham gia, với diện tích liên kết sản xuất khoảng 200 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 800 tấn cà phê hạt.

Ngoài ra, nhiều HTX trên địa bàn đã chủ động liên kết với nông dân, với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị từ đầu đến cuối, đảm bảo đầu ra sản phẩm và giá cả ổn định, mang lại giá trị bền vững.

Thực tế cho thấy, hình thức liên kết trong sản xuất đang thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Từ đó, từng bước hình thành chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa ở các địa phương trong tỉnh, đồng thời tạo ra giá trị thu nhập cao hơn cho thành viên. Những sản phẩm sạch của một số HTX trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm được chỗ đứng trên thị trường, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động và các thành viên HTX..

Theo báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt tổng doanh thu khoảng 1.245 triệu đồng/HTX/năm và tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 235 triệu đồng/HTX/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện có các HTX Sáu Nhung (Ðăk Hà), Ánh Dương, Nông nghiệp Tuyết Sơn (Kon Plông), Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông (Tu Mơ Rông) được tham gia mô hình phát triển gắn với chuỗi giá trị do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì thực hiện. VP

 

Văn Phương

 

 

Chuyên mục khác