Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - hướng phát triển bền vững

24/07/2019 06:11

Hiện nay, yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng cao, vì vậy xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều thách thức, bởi quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao…

Hiểu một cách khái quát, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn Quốc tế IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ) với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập, bảo vệ sản xuất tránh gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát triển kinh tế bền vững, Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực bắt đầu từ 29/12/2017. Việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật và các nước trong khu vực…

Theo ông Nguyễn Văn Ban - Chủ nhiệm HTX rau, hoa và du lịch Thanh niên Măng Đen thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ yêu cầu không được sử dụng 5 nguồn vật liệu đầu vào cho sản xuất gồm: hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen và phân bắc. Nguồn vật liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp hữu cơ chủ yếu dựa vào luân canh, sử dụng phân chuồng đã qua ủ nóng, phân xanh, phân vi sinh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để canh tác. Sản phẩm của HTX đã được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đánh giá là phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Quốc gia: TCVN 11041-2:2017. Theo đó, các sản phẩm của HTX được nhiều cửa hàng rau, củ, quả ở thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng bao tiêu.

Ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được Chính phủ khuyến khích theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Ở tỉnh ta có những lợi thế về điều kiện tự nhiên để quy hoạch tập trung sản xuất, kinh doanh đa dạng từ cung cấp sản phẩm hữu cơ cho đến phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón như phân xanh, phân hữu cơ khá phong phú. Nhiều vùng rừng núi tự nhiên của tỉnh, chủ yếu là canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hoá chất rất phù hợp cho chăn nuôi và trồng trọt theo phương pháp hữu cơ.

Hiện nay, mô hình sản xuất rau an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap đang phát triển mạnh tại thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Plông. Người dân đã nhân rộng và phát triển được gần 50ha sản xuất rau và 14ha trồng cây ăn trái (cam, bơ, bưởi, thanh long ruột đỏ) theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, có một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp tại huyện Kon Plông đã áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGap, hữu cơ…; có khoảng 118ha sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả các loại như: bí Nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà rốt, khoai tây, súp lơ, xà lách... và có khoảng 200ha phát triển các loại cây ăn quả như cam, bưởi, chanh, bơ, chuối... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo, xây dựng các mô hình thử nghiệm, nhân rộng về nông nghiệp hữu cơ, vận động người dân làm nông nghiệp hữu cơ.

Trồng rau xứ lạnh theo phương pháp hữu cơ ở Măng Đen (huyện Kon Plông). Ảnh: DL

 

Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh, với phương thức sản xuất chủ yếu dựa vào phân bón hữu cơ có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc, gia cầm, phân xanh... nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Hướng đến việc áp dụng các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại, hay khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh, dịch hại. Phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ có lợi cho môi trường, đất đai, cây trồng, gia súc, con người và cả cộng đồng; làm cho hệ sinh thái được bền vững - ông Trần Văn Chương phân tích.

Theo IFOAM: “Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất”. DL

Dương Lê

 

 

Chuyên mục khác