Sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ

30/06/2023 06:08

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực và thành công trong việc tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và liên kết tập trung sản xuất theo quy mô lớn, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh để đầu tư gắn với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Theo Cục Thống kê, đến nay, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển. Trong đó, tổng diện tích cây cà phê khoảng 29.127ha, đạt 100,67% kế hoạch; cao su khoảng 77.541ha, đạt 100,73% kế hoạch; cây mắc ca khoảng 2.863ha, đạt 85,13% kế hoạch; cây ăn quả khoảng 10.145ha, đạt 96,85% kế hoạch; sâm Ngọc Linh khoảng 1.784ha (chưa trồng mới), đạt 79,62% kế hoạch; cây dược liệu khác khoảng 5.784ha, đạt 106,97% kế hoạch.

Cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, các cấp chính quyền đã tích cực vào cuộc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân.

Thúc đẩy đăng ký mã số vùng trồng. Ảnh: HL

 

Đáng chú ý là tháng 3/2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 772/QĐ-UBND xác định 19 sản phẩm thuộc 4 ngành hàng quan trọng (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Đối với thị trường tiêu thụ trong tỉnh, mạng lưới kinh doanh thương mại phát triển nhanh, đa dạng về ngành nghề, mở rộng xuống tận cơ sở, địa bàn khu dân cư, tạo thành mạng trung gian kinh tế, làm chức năng giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Riêng hệ thống chợ được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động ổn định. Đa số các chợ trên địa bàn tỉnh đều phù hợp với quy hoạch, được đầu tư xây dựng tại các vị trí thuận lợi để phát triển và phục vụ tốt nhất nhu cầu mua bán của nhân dân.

Hệ thống kênh mua bán hiện đại cũng dần được hình thành và ngày càng phát triển, với các siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên ngành. Mạng lưới cửa hàng bán buôn, bán lẻ cũng phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận các thôn, làng vùng sâu, vùng xa.

Thị trường tiêu thụ nông sản Kon Tum ngày càng mở rộng và đã xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, một số mặt hàng nông sản đã xuất khẩu sang Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU (Anh, Pháp, Italia, Đức…) như cà phê, sản phẩm từ gỗ, tinh bột sắn.

Ngành nông nghiệp đã tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung. Đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi.

Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích đăng ký cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Đáng chú ý là việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia đang bắt đầu được quan tâm hơn, từ đó tạo dựng uy tín cho hàng hóa nông sản của tỉnh, thúc đẩy xuất khẩu.

Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Đặng Xuân Hùng- Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Kon Tum- doanh nghiệp có sản phẩm được vinh danh Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng quốc gia năm 2023- chia sẻ, mặc dù nhiều sản phẩm nông nghiệp tỉnh ta có tiềm năng xuất khẩu, nhưng chủ yếu là nguyên liệu chứ không phải xuất khẩu gắn với thương hiệu.

Xuất khẩu bằng thương hiệu là một chặng đường không hề dễ dàng, phải mất nhiều năm nỗ lực và phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước để tìm được hướng đi cho mình.

Xây dựng thương hiệu là yếu tố quan trọng giúp Công ty TNHH Yến sào Kon Tum đưa sản phẩm vươn xa. Ảnh: H.L

 

Việc đạt chứng nhận Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng Quốc gia còn khẳng định cho chất lượng sản phẩm của Yến sào Kon Tum, tạo được lòng tin vững chắc với khách hàng, đối tác, cơ quan quản lý nhà nước cũng như nâng cao uy tín, hình ảnh và thương hiệu của mình trên thị trường. Việc này giúp cho Yến sào Kon Tum có chỗ đứng vững vàng không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu- ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những kết quả ấy, sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua.

Đáng chú ý là nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Cùng với đó, thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung - cầu nông sản.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Vì vậy, ngành nông nghiệp cần tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, chú trọng khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.

Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản tham gia các hội chợ công thương và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, các hội nghị kết nối tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

Khuyến khích sự hợp tác giữa nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học - nhà kinh doanh, giữa các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin về sản phẩm nông nghiệp.         

Hồng Lam

Chuyên mục khác