Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Còn nhiều khó khăn

16/02/2017 18:06

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là bước đi phù hợp đem lại hiệu quả cao về kinh tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Những hiệu quả ban đầu

Cách đây 5 năm, Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, huyện Kon Plông đã trồng rau, hoa trong nhà lồng và sử dụng phương pháp tưới phun sương thay cho phương pháp tưới thông thường; sử dụng các chế phẩm sinh học trong nông nghiệp, thực hiện nuôi trong giá thể…

Mới đây, Hợp tác xã tiếp tục sử dụng thêm phương pháp tưới nhỏ giọt cho những loại cây phù hợp. Hợp tác xã cũng đã nhập toàn bộ hệ thống trồng rau thủy canh và dự kiến năm 2017 sẽ trồng 120m2.

Sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt. Ảnh: B.A

 

 “Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ tiết kiệm được chi phí thuê nhân công mà còn nâng cao năng suất cây trồng. Cũng nhờ đó mà thương hiệu hoa Măng Đen dần khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh” - ông Nguyễn Văn Ban - Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết.

Không chỉ Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen mà nhiều đơn vị khác trên địa bàn tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trung tâm Giống sâm Ngọc Linh đang nhân giống, trồng sâm Ngọc Linh có hiệu quả. Hay Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh cũng đã áp dụng công nghệ, kĩ thuật, sản xuất, cung ứng và chuyển giao các tiến bộ về giống, quy trình sản xuất cho bà con.

Ngoài một số mô hình hiệu quả, sau khi được thành lập vào tháng 9/2016, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trực thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã nhân giống thành công cây kim cương (kim tuyến liên) bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Trung tâm đã nhân giống thành công cây kim cương. Ảnh: BA

 

Dẫn chúng tôi ra xem 100m2 cây kim cương, ông Phạm Thanh – Phó Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen phấn khởi cho biết, với giá thành 1,5 triệu/kg, vừa rồi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã thu hoạch dần và bán được hơn 30 triệu đồng.

Số kim cương ra hoa đang được Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, nhân giống. “Hiện tại đang có nhiều hợp đồng đặt hàng mua cây giống kim cương và trong kế hoạch của Ban quản lý, năm 2017, sẽ tiếp tục trồng thêm 114 ngàn cây kim cương” – ông Thanh cho biết.

Ngoài việc trồng cây kim cương, Trung tâm cũng đã nhân giống, đưa ra thị trường nhiều mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Như hiện nay, cây chuối nuôi cấy mô đã được đưa ra thị trường và rất được ưa chuộng. Cùng với đó, Trung tâm cũng trồng thử nghiệm 400m2  cây cà chua giống Hà Lan; phối hợp với trường Đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu và tạo giống hoa ly.

“Với việc sản xuất theo công nghệ cao, bước đầu chúng tôi đã xây dựng được một số mô hình, rút ra quy trình công nghệ để khuyến cáo, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác chuyên môn” – ông Thanh cho hay.

Và với sự hỗ trợ đó cùng nhiều chính sách khác, hiện đã có 3 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào sản xuất. “Sắp đến cũng có 7 doanh nghiệp đến tìm hiểu để đầu tư” – ông Thanh nói.

Còn nhiều khó khăn

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Hơn thế, việc ứng dụng còn giúp tiết kiệm nhân công, thời gian, hạn chế việc lây lan sâu bệnh.

Thế nhưng, bên cạnh những hiệu quả bước đầu đạt được, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề là một trong những khó khăn đứng đầu.

Ông Thanh cho biết, để phát triển công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng công nghệ máy móc tự động hóa, ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý… Hơn thế nhân công phải đổi mới suy nghĩ, cách làm việc. Nhưng thực tế, nguồn nhân lực am hiểu về nông nghiệp, khoa học – kỹ thuật vẫn đang thiếu và yếu.

Như Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, hiện tại đang có nhu cầu phát triển diện tích trồng rau an toàn. Các trang thiết bị đã được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên về đội ngũ vận hành, bảo quản những thiết bị này còn là điều khiến đơn vị băn khoăn.

Nghiên cứu nhân giống. Ảnh: B.A

 

Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì đòi hỏi về nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư hệ thống thiết bị, cây trồng, vật nuôi… khá lớn, nếu không có tiềm lực về kinh tế, khó có thể thực hiện.

Hơn thế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nhưng thực tế, đến nay, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao lại ít người biết đến, đầu ra nhỏ giọt khiến nhiều sản phẩm phải chật vật tìm chỗ đứng.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ông Thanh nói rằng, theo định hướng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư phát triển nguồn nhân lực để phát triển đồng bộ, đồng thời tạo chỗ ăn, ở cho công nhân để họ an tâm làm việc.

Cùng với đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen sẽ liên kết với các ngân hàng để có vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp; kết nối các doanh nghiệp với thị trường lớn. Đồng thời, tăng cường việc tuyên truyền cho người dân hiểu về các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Thanh nói rằng, khi mới đưa vào sản xuất, các sản phẩm sẽ có giá thành cao hơn so với sản phẩm nông nghiệp bình thường. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi sản xuất đại trà, với các thiết bị tiết kiệm được nguồn nhân công, thời gian, giá thành các sản phẩm sẽ cạnh tranh và sẽ dễ dàng có được chỗ đứng trong thị trường.

“Và để thu hút các nhà đầu tư, hiện tại, chúng tôi vẫn đang áp dụng những chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ, chính sách ưu đãi về tín dụng… để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển” – ông Thanh cho hay.

 Bình An

Chuyên mục khác