03/01/2020 06:04
Theo đánh giá của Sở Công thương, năm 2019, giá trị sản xuất có mức tăng trưởng cao, hoàn thành mục tiêu đề ra; hoạt động thương mại đạt được kết quả ấn tượng với tổng mức lưu chuyển hàng hóa và kinh doanh dịch vụ tăng cao, góp phần tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của địa phương.
Chỉ số phát triển công nghiệp toàn tỉnh trong năm 2019 tăng 16,5%, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2019 (giá so sánh 2010) đạt 6.340 tỷ đồng, tăng 8,4% so năm 2018, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra. Các ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng như công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 9,05%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước máy đạt 1.030 tỷ đồng, tăng 8,9% so với kế hoạch... Tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số sản phẩm chủ yếu năm 2019 như: Cà phê; gia công quần áo xuất khẩu; khai thác đá, cát, sỏi, điện thương phẩm, điện địa phương sản xuất… giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018.
Lĩnh vực thương mại đạt được những kết quả ấn tượng với tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm 2019 đạt 19.550 tỷ đồng, tăng 31% so năm 2018. Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu thị trường; giá cả được kiểm soát tốt, không có hiện tượng sốt giá, đầu cơ găm hàng.
Năm 2019, mặc dù một số thị trường xuất khẩu truyền thống của tỉnh ta gặp khó khăn, nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa vẫn tương đối ổn định với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 210 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Cao su thô, cà phê nhân, bàn ghế các loại, tinh bột sắn... được xuất khẩu qua các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia…
Ông Lê Như Nhất - Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định là nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Thành công trên, trước hết là do chúng ta tiếp tục xác định đúng mục tiêu và tập trung đầu tư vào một số ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, mũi nhọn của địa phương như: Khai thác và chế biến khoáng sản; chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Năm 2019, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh.
|
Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp trong thời gian qua nói chung và năm 2019 nói riêng đã được tỉnh quan tâm đúng mức, nhất là kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; các khu, cụm công nghiệp và làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2019, UBND tỉnh, ngành Công thương và các địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tìm kiếm thị trường; khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thương mại, dịch vụ theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp; mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; triển khai phát triển thương mại, dịch vụ bảo đảm tính đồng bộ giữa các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn, vùng đồng bào DTTS… Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, các doanh nghiệp trong tỉnh nỗ lực phấn đấu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, phát huy những kết quả đạt được của năm 2019, ngành Công thương đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đưa sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển đúng hướng và đạt được mức tăng trưởng cao.
Ông Lê Như Nhất chia sẻ: Công tác cải cách hành chính được ngành Công thương xác định là nhiệm vụ hàng đầu với tinh thần xây dựng một quy trình giải quyết thủ tục thống nhất, đồng bộ, đảm bảo nhanh, gọn, chuyên nghiệp, minh bạch và đúng pháp luật tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Theo đó, Sở Công thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu đầu tư, triển khai dự án, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Sở Công thương cũng sẽ tăng cường công tác kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh đã ký kết hợp tác thương mại, các doanh nghiệp trên; giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các vùng, miền mà sản phẩm Kon Tum có lợi thế cạnh tranh; thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và thị trường tiềm năng để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
“Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn, năm 2020, ngành Công thương tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách về khuyến khích phát triển doanh nghiệp, quan tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn nhằm khai thác nguồn lao động dồi dào, nguồn nguyên liệu tại chỗ; thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển”. Ông Lê Như Nhất nhấn mạnh với chúng tôi về định hướng khai thác tiềm năng, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Nhìn lại một năm qua, có thể thấy những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của ngành Công thương cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước tiến mới trong năm 2020.
Thiên Hương