31/12/2018 07:00
Theo đánh giá của ngành Công thương, năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự vượt qua giai đoạn khó khăn do những tác động của tình hình thế giới và trong nước như: Thị trường xuất khẩu bấp bênh, giá cả một số vật tư đầu vào cho sản xuất không ổn định; nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp còn hạn chế... Tuy nhiên, bằng nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng ấn tượng.
Những số liệu thống kê về kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 chính là minh chứng thuyết phục nhất cho đánh giá của ngành Công thương.
|
Trong năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng khoảng 16,5% so với năm 2017. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 26,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,1%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 21,5%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,3%. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (giá hiện hành) ước thực hiện 8.976 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2017, đạt 112% so với kế hoạch đề ra .
Ông Lê Như Nhất – Giám đốc Sở Công thương đánh giá: Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta năm 2018 phát triển tương đối ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng đều đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn được xem là lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực trong sản xuất công nghiệp của tỉnh với các sản phẩm chủ lực là tinh bột sắn, mủ cao su, cà phê, đường... đã có bước đi vững chắc. Trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực này thực sự phát triển nhanh và bền vững; có mức tăng trưởng ổn định; góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp tỉnh ta.
Sản xuất tinh bột sắn luôn khẳng định vai trò ngành có vị trí quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng và sản xuất công nghiệp nói chung với 7 nhà máy chế biến tinh bột sắn đã đi vào hoạt động; tổng công suất thiết kế trên 900 tấn tinh bột/ngày.
Cùng với đó, ngành nghề khai thác, chế biến mủ cao su cũng có những đóng góp đáng kể với 6 nhà máy lớn, chủ yếu là chế biến dưới dạng mủ tờ, mủ cốm dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến sâu với công suất thực tế ước đạt 43.800 tấn/năm.
Ngoài ra, ngành chế biến cà phê cũng có những bước tiến mới với sản lượng ước đạt gần 40.000 tấn/năm. Các ngành sản xuất trang phục, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại… tuy không được xếp vào những ngành hàng chủ lực, nhưng với tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của toàn ngành công nghiệp tỉnh ta.
Theo ông Lê Như Nhất, có được kết quả này là do UBND tỉnh, ngành Công thương và các địa phương đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; chú trọng nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất. Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh ta ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của ngành như chế biến nông lâm sản, phát triển năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản...
|
Bên cạnh đó, tỉnh ta còn nhiều chính sách, giải pháp thiết thực như: Hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức về lề lối, tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; vận hành hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và thông báo kết quả, tiến độ cho doanh nghiệp biết, thực hiện; duy trì hoạt động cà phê sáng với doanh nghiệp; tăng cường cải cách thủ tục hành chính.
Ngành Công thương cũng luôn chú trọng công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, giúp doanh nghiệp có cơ hội giao thương, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; nâng cao năng lực và dịch vụ phục vụ xuất khẩu; từ đó thúc đẩy sản xuất...
Một trong những yếu tố then chốt trong sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp không thể không nhắc tới đó chính là sự chủ động, nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động, thích nghi được với những biến động thị trường, bắt kịp xu hướng hội nhập của nền kinh tế; tích cực mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh...
Dự báo, năm 2019 kinh tế trong nước vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn, thách thức, nhưng với sự tăng trưởng ổn định của sản xuất công nghiệp năm 2018, ngành Công thương tự tin đề ra mục tiêu lớn.
Mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, có tiềm năng thế mạnh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm đang triển khai để sớm đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Mục tiêu cụ thể là tỉnh ta phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp đạt 16,5%.
Theo ông Lê Như Nhất, để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, ngành Công thương tỉnh sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, Bộ Công thương, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách của Chính phủ, nhất là những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp; thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn về quy trình, thủ tục xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, hướng hoạt động sản xuất công nghiệp theo các giá trị công nghiệp xanh, sạch và bền vững. Cùng với đó là việc tăng cường hợp tác về đầu tư, liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và trong vùng; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu...
Trong năm 2019, với những giải pháp cụ thể, sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với quyết tâm của các doanh nghiệp, tin rằng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước tiến mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm.
Bài và ảnh: Thiên Hương