Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong mọi tình huống thiên tai

16/07/2021 13:09

Đảm bảo cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, vì vậy, hiện tại, Sở Công thương và các đơn vị kinh doanh hàng hóa đã hoàn thiện và sẵn sàng phương án dự trữ, cung ứng đầy đủ hàng hóa trong mọi tình huống.

Từ đầu mùa mưa, Sở Công thương cùng các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá những khu vực xung yếu, những nơi thường xuyên bị tác động khi thiên tai xảy ra, sức tiêu thụ hàng hóa của người dân ở từng vùng… Trên cơ sở đó, đơn vị xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng cho phù hợp, bảo đảm đúng nhu cầu của người dân ở các địa phương của tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp, đại lý, nhà phân phối, đăng ký dự trữ và cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2021. Trong đó, đa phần là các đơn vị đứng chân trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi, như Siêu thị Vin Mart, Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Kon Tum, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Anh Thi, Đại lý gạo Hoa Cao, Siêu thị Co.op Mart Kon Tum, Chi nhánh xăng dầu Kon Tum…

Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Kon Tum với hệ thống cửa hàng rộng lớn sẽ đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thuận lợi trong mọi tình huống thiên tai. Ảnh: T.H 

 

Các mặt hàng được chuẩn bị dự trữ chủ yếu là hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân như gạo, mắm, muối, hoá mỹ phẩm, thực phẩm khô, xăng dầu và một số mặt hàng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục bão lũ như phao cứu sinh, tôn lợp, đèn pin… Trong đó, những hàng hóa thiết yếu, có số lượng đăng ký dự trữ lớn là gạo với khoảng 44.000 tấn, muối hơn 24,4 tấn, nước mắm gần 22.500 lít, nước uống hơn 180.000 thùng, dầu ăn khoảng 15.000 lít, gần 442.500 lít xăng, dầu, 4.000 chiếc chăn, mền, 1.200m2 bạt che mưa, 742 chiếc tăng bạt, 2.400 áo phao; 6.000m2 tôn lợp…

So với năm 2020 thì số lượng các mặt hàng dự trữ phục vụ cho mùa mưa bão năm 2021 đều tăng lên đáng kể. Toàn bộ hàng hóa được các doanh nghiệp dự trữ tại kho và liên tục được bổ sung vừa để phục vụ kinh doanh, vừa đảm bảo cung ứng kịp thời cho nhân dân khi có thiên tai xảy ra.

Cùng với nguồn hàng do các doanh nghiệp dự trữ, cung ứng, các huyện, thành phố còn hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm và thực hiện việc dự phòng tại chỗ. Theo đó, mỗi gia đình, mỗi thôn, làng, mỗi xã đều dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm để sử dụng trong thời gian tối thiểu từ 1-2 tuần; trong đó đặc biệt chú trọng đến những vùng có nguy cơ bị cô lập khi thiên tai xảy ra.

Để chủ động đáp ứng với tình hình thực tế, Sở Công thương đưa ra những tình huống giả định khi có bão từ cấp 9 trở lên ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh ta. Theo đó, ở từng cấp độ với khả năng gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất gây chia cắt cục bộ, làm cuốn trôi tài sản, hoa màu, lương thực, lượng lương thực, thực phẩm dự trữ tại chỗ đã cạn kiệt, dân cư có nguy cơ đói, rét... Sở Công thương sẽ có kế hoạch  thông báo đến các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn, siêu thị, chợ, đại lý triển khai phương án cung ứng hàng hóa kịp thời, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, sẽ chủ động huy động thêm một số doanh nghiệp, nhà phân phối lớn đã đăng ký phương án bổ sung, điều động thêm xe vận chuyển để đưa hàng hóa đến tận nơi bán cho người dân.

Trong trường hợp khắc phục hậu quả sau mưa bão, lũ lụt, các doanh nghiệp đầu mối tại địa phương đảm nhận cung ứng hàng hóa ngắn hạn từ 5- 10 ngày sau khi thiên tai xảy ra để bảo đảm ổn định cuộc sống và khắc phục hậu quả.

Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ về nguồn hàng, Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý Thị trường tỉnh xây dựng kế hoạch quản lý tốt thị trường, tránh xảy ra tình trạng “găm hàng”, lợi dụng thiên tai để tăng giá bất hợp lý. Tăng cường kiểm tra, giám sát trên địa bàn, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình bão lũ để đầu cơ ép giá, găm hàng, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Hiện đang là mùa mưa bão, những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân có thể xảy ra bất cứ khi nào. Vì vậy, việc các ngành chức năng chủ động dự trữ và cung ứng hàng hóa sẽ góp phần ổn định thị trường, ổn định cuộc sống người dân khi có mưa bão, lũ lụt.  

Thiên Hương

Chuyên mục khác