11/04/2022 13:04
Xác định rõ giá trị kinh tế, tầm quan trọng của tài nguyên rừng với môi trường sinh thái và đời sống của con người, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, huy động mọi nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy hoạch về bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với chế biến lâm sản.
Theo Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mục tiêu là đến năm 2025, toàn tỉnh trồng mới được 15.000 ha rừng tập trung và trồng 3 triệu cây phân tán.
Riêng năm 2021, tỉnh ta đã thực hiện trồng mới được trên 4.800ha rừng (đạt 160,7%), 701.723 cây phân tán (116,6%). Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, năm 2022, tỉnh ta đề ra mục tiêu sẽ trồng mới 4.500ha rừng.
Mùa trồng rừng năm 2022, toàn tỉnh trồng mới 4.500ha rừng. Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng địa phương. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch, triển khai cho từng xã, thị trấn và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo mục tiêu, tiến độ của vụ trồng mới.
|
Theo đó, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện, hỗ trợ người dân trồng mới 3.735,0 ha rừng sản xuất. Các đơn vị chủ rừng thực hiện trồng mới 765,0 ha. Đến thời điểm này, các địa phương đã và đang tiến hành thống kê, rà soát quỹ đất, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để đưa vào trồng rừng; triển khai cho người dân đăng ký trồng rừng.
Tại thành phố Kon Tum, Thường trực Thành ủy Kon Tum chỉ đạo các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch trồng mới 500ha rừng, vượt trên 300ha so với chỉ tiêu được giao. Ðể hoàn thành việc trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất, các địa phương, cơ quan chuyên môn trên địa bàn thành phố đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân, rà soát diện tích đất trống đồi trọc để đưa vào trồng rừng; chủ động nguồn cây giống, hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, đào hố...
Hay như huyện Đăk Glei, theo kế hoạch, năm nay, địa phương sẽ thực hiện trồng mới 615ha rừng. Vì vậy, từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các xã, thị trấn tổ chức rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp để đưa vào trồng rừng trong vụ mới; đồng thời, triển khai cho người dân đăng ký trồng rừng. Đến thời điểm, tổng diện tích đã được người dân trên địa bàn đăng ký trồng rừng là 560,16 ha.
Hiện tại, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; đặc biệt là chủ trương ưu tiên cho người dân tại chỗ tham gia trồng rừng có hưởng lợi và giao khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP (ngày 27/12/2016) của Chính phủ để người dân hiểu và tích cực triển khai trồng rừng theo diện tích đã đăng ký. Đồng thời, khuyến khích và hướng dẫn người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây nông nghiệp ngắn ngày; cây công nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang trồng rừng sản xuất để tăng thu nhập, nâng cao đời sống và an tâm gắn bó với rừng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu giống cho việc trồng rừng của người dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại các địa phương tích cực triển khai sản xuất, gieo ươm các loại giống cây trồng lâm nghiệp như thông, bạch đàn, keo lai, sơn tra, mắc ca, sao đen... Hiện tại, cây giống tại các vườn ươm đang được chăm sóc đúng kỹ thuật, thường xuyên phòng trừ sâu bệnh đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt, đủ tiêu chuẩn để phục trồng rừng. Ước tính, các tổ chức, cá nhân sẽ cung ứng được khoảng 80% số lượng cây giống trên địa bàn toàn tỉnh. Lượng cây giống còn lại các địa phương, đơn vị chủ rừng cũng đã có kế hoạch liên hệ để mua từ nơi khác đảm bảo đủ số lượng cũng như chất lượng giống cây theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán trồng, chăm sóc làm cơ sở tổ chức thực hiện kịp tiến độ trồng rừng. Đồng thời, chú trọng đến công tác chăm sóc rừng trồng của năm trước; tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, nhất là việc phòng cháy, chữa cháy khi người dân xử lý thực bì.
Với việc chuẩn bị tích cực, chu đáo về những điều kiện cần thiết cho mùa trồng rừng mới, chắc chắn các địa phương sẽ đảm bảo việc xuống giống đúng tiến độ và kế hoạch mùa vụ. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu trồng rừng của năm 2022, từng bước mở rộng diện tích đất rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng của tỉnh.
Thùy Hương