Sản phẩm OCOP từ nghề truyền thống của các DTTS

07/06/2022 19:28

Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP) của tỉnh đã được các địa phương, đơn vị và người dân tích cực hưởng ứng, đạt kết quả đáng kể. Không chỉ tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và dịch vụ tiêu dùng, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các DTTS trong lĩnh vực này bước đầu cũng được quan tâm, chú ý.

Nói đến “sản phẩm đặc trưng” của đồng bào các DTTS trong tỉnh, không thể không kể đến “Măng le Đăk Pxi”. Từ tháng 10/2017, khi đề án về chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh còn chưa ra đời, xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Hà đã tiên phong “ra mắt” sản phẩm đặc trưng tại địa phương.

Kể từ lần đầu tiên việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh được tiến hành vào cuối năm 2019 đến nay, cùng với các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến…, bước đầu, việc tạo ra sản phẩm OCOP từ nghề thủ công lâu đời, nghề truyền thống độc đáo của đồng bào DTTS tại chỗ đã được các địa phương quan tâm.

Có thể kể đến các sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đã được công nhận như Rượu ghè nếp than Nay Buih  của hộ gia đình ở thôn Kon Krơk (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà), rượu cần Y Thơi (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy). Riêng huyện Ngọc Hồi có 2 sản phẩm: Rượu ghè men lá của HTX Dục Nông (thôn Đăk Răng, xã Đăk Dục), rượu cần men lá của Tổ hợp tác rượu cần men lá dân tộc Brâu (thôn Đăk Mế, xã Pờ Y).

Về thực phẩm chế biến sẵn, có sản phẩm thịt khô gác bếp của hộ gia đình ở thôn Đăk Dung (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei), sản phẩm măng khô của hộ kinh doanh ở thôn 14B (xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei); sản phẩm cải khô Y Tuân và thịt bò cỏ gác bếp Y Hà cùng ở thôn Nông Nội (xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi)…

Xây dựng thương hiệu OCOP từ đan lát. Ảnh: T.N

 

Nghị quyết số 08- NQ/TU của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định từ nay đến năm 2025 phát huy giá trị văn hóa đối với 9 nghề truyền thống. Với lợi thế đa dạng, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và  các nghề truyền thống nói riêng, có thể nhận thấy, tiềm năng hình thành, phát triển các sản phẩm OCOP từ nghề truyền thống tại các địa phương trong tỉnh còn rất dồi dào. Trước hết, trong số 4 nghề được chú trọng “đẩy mạnh thương mại hóa”, thì không riêng làm rượu cần, mà có thể quan tâm tạo ra sản phẩm OCOP từ các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc.

Thực tế cho thấy, nỗ lực khôi phục dệt thổ cẩm đã được quan tâm tại không ít địa phương trong tỉnh, thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm, góp phần tạo ra nguồn nhân lực đáng kể thuộc các lứa tuổi khác nhau. Nếu tranh thủ được sự đồng thuận cao của cộng đồng và các cấp chính quyền, thì tại những nơi dệt thổ cẩm được tổ chức, duy trì tốt, thời gian tới, hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như trang phục, tấm dồ, tấm đắp…, hay các sản phẩm mới như túi xách, mũ, khăn…, mang nét đặc trưng, độc đáo riêng của mỗi DTTS khác nhau.

Yêu cầu giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, nhất là tổ chức lễ hội, giao lưu văn nghệ dân gian… kéo theo thực tế ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các nhạc cụ dân tộc; nhất là trong trường học, cơ quan và các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng. Vì vậy, liên quan đến chế tác nhạc cụ truyền thống, nếu lựa chọn một số nhạc cụ dân tộc độc đáo và phổ biến như đàn tơ rưng, ting ning, klông pút, sáo… để truyền nghề, chế tác với số lượng nhất định và tạo thành thương hiệu OCOP, thì tại cộng đồng có thế mạnh đối với lĩnh vực này, các nghệ nhân tâm huyết vừa giữ gìn được vốn quý âm nhạc dân gian, vừa tạo thành “nguồn cung” ổn định, đáp ứng yêu cầu sử dụng của mọi người.

Có thể nói, quan tâm xây dựng các sản phẩm OCOP từ nghề truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ trong tỉnh là một thế mạnh, song đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Những sản phẩm được tạo ra phải thực sự đạt chất lượng, mang tính ổn định và bền vững, đặc biệt là góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương.

 Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2025 phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt các tiêu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng từ 1 - 2 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống, gắn với hình ảnh văn hóa - du lịch đặc trưng của tỉnh; đến năm 2030, xây dựng và phát triển mạnh từ 2 - 3 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống.

Để đạt các mục tiêu cụ thể này, nỗ lực tạo ra các sản phẩm OCOP từ nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ, mà trọng tâm là các sản phẩm thuộc lĩnh vực tiềm năng về dịch vụ du lịch - truyền thống - lễ hội góp phần quan trọng.

Thanh Như

Chuyên mục khác