Sản phẩm OCOP Hơ Moong

22/09/2021 13:11

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ thương mại (NN&DVTM) Đăk Wớt Yốp (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) xây dựng sản phẩm OCOP chanh không hạt và trà đinh lăng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã này đã có mặt ở nhiều nơi trên thị trường trong tỉnh.

Theo sự giới thiệu của anh Giả Tấn Đạt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, tôi đến trang trại của anh Nguyễn Công Thụy - thành viên Hợp tác xã NN&DVTM Đăk Wớt Yốp tại thôn Tân Sang, xã Hơ Moong trồng chanh không hạt và đinh lăng.

Vừa bước vào sân nhà trong trang trại của Nguyễn Công Thụy, tôi thấy quả chanh không hạt được hong dày dọc theo hiên nhà. Quả chanh da nhẵn, to gấp đôi so với quả chanh ta có hạt. “Gia đình mới hái chanh, phơi ra cho chanh ráo nước và phân loại chanh trước khi vào bao bì xuất bán. Chanh không hạt thơm và chua nhẹ. Trên thị trường, chanh không hạt được người tiêu dùng ưa chuộng hơn chanh ta có hạt” - Nguyễn Công Thụy thật lòng.

Trang trại của anh Thụy rộng 9ha. Trong trang trại, anh Thụy phân ra từng khu vực trồng chanh không hạt, chanh dây, trồng tiêu, cà phê, cao su... Còn cây đinh lăng trồng xen trong các bờ lô trong vườn cây ăn quả. Cây gì trong trang trại cũng đều xanh tốt.

Anh Thụy giới thiệu chanh không hạt. Ảnh: V.N

 

Diện tích anh Thụy dành cho trồng chanh không hạt 1,2ha. So với diện tích nhiều loại cây trồng khác, diện tích đất dành cho trồng chanh không hạt không nhiều. Tuy nhiên, anh Thụy cho rằng, chanh không hạt lại là cây trồng cho thu nhập chính và ra trái quanh năm. Mặc dù thời điểm tôi đến không phải là lúc thu hoạch chính, nhưng chanh trên cành nhiều quả. Vào thời điểm thu hoạch chính, gia đình anh thu 4-5 tạ quả chanh/ngày. Còn hiện nay, anh thu khoảng 1,5 tạ quả chanh/ngày.

Bàn về giá cả, anh Thụy chia sẻ: Giá chanh không hạt dao động theo từng thời điểm. Trước ngày 27/4 (trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát), tôi  bán tại vườn 15 nghìn đồng/kg quả chanh. Còn hiện nay, bán tại vườn 8 nghìn đồng/kg quả chanh; nếu bỏ các đầu mối ở thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) và thành phố Kon Tum... thì được 10-12 nghìn đồng/kg quả chanh.

Theo như những gì anh Thụy chia sẻ, hiện nay, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu được 1,2 triệu đồng (nếu bán chanh tại vườn) hoặc 1,5 - 1,8 triệu đồng (nếu chở chanh đi bỏ các đầu mối thành phố Kon Tum hoặc thị trấn Sa Thầy). So với nhiều cây trồng khác thì chanh không hạt là loại cây trồng cho thu nhập khá cao trên một đơn vị diện tích.

Ngoài việc trồng chanh không hạt, anh Thụy cũng như các thành viên khác trong Hợp tác xã NN&DVTM Đăk Wớt Yốp còn trồng nhiều đinh lăng và xây dựng thương hiệu trà đinh lăng. Hiện tại, sản phẩm chanh không hạt và trà đinh lăng của Hợp tác xã đều đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. 

Để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, anh Nguyễn Công Thụy cho rằng, gia đình anh cũng như các thành viên trong Hợp tác xã trồng chanh không hạt và đinh lăng theo hướng hữu cơ, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn. Nguồn phân bón chủ yếu là phân bò ủ hoai mục do gia đình tự sản xuất, phân hữu cơ công nghiệp và có bổ sung thêm phân NPK.

“Canh tác theo hướng hữu cơ làm cho đất tơi xốp, cây trồng xanh lâu, đất không thoái hóa. Việc phun thuốc diệt sâu bệnh hại chanh, đinh lăng... anh dùng chủ yếu là thuốc sinh học, không gây hại khi phun và người dùng sản phẩm; đồng thời không làm ô nhiễm môi trường”- anh Thụy khẳng định. 

Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, anh Thụy cũng như các thành viên Hợp tác xã NN&DVTM Đăk Wớt Yốp được UBND xã Hơ Moong, các cơ quan chức năng ở huyện Sa Thầy hỗ trợ xây dựng thương hiệu và Công ty Agri SEP tư vấn sản xuất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng tốt và sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

Gắn bó với các nông dân thực hiện Chương trình OCOP, anh Phạm Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong khẳng định: UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các phòng, ban có liên quan ở huyện hỗ trợ Hợp tác xã NN&DVTM Đăk Wớt Yốp trong làm hồ sơ, bao bì, nhãn mác và tập huấn nghiệp vụ xây dựng chương trình kinh tế. Theo đó, trong năm 2020, sản phẩm chanh không hạt và trà đinh lăng của Hợp tác xã đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

“Để mở rộng phát triển sản phẩm, UBND xã phối hợp cơ quan chức năng ở huyện tham mưu UBND huyện tạo điều kiện cho Hợp tác xã NN&DVTM Đăk Wớt Yốp quỹ đất (1.500m2) xây dựng trụ sở, kho bãi để hoạt động, góp phần đưa sản phẩm OCOP ở địa phương từng bước vươn xa hơn. Và không chỉ có hai sản phẩm chanh không hạt và trà đinh lăng, xã còn dự kiến tạo điều kiện cho Hợp tác xã và người dân xây dựng thêm thương hiệu bơ, sầu riêng là sản phẩm OCOP trong năm đến” - Phó chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Việt quả quyết.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác