Sân chơi lớn cho các chủ thể của huyện Đăk Hà

12/07/2020 06:11

Việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thời gian qua đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của huyện Đăk Hà. Đây được coi là sân chơi lớn để doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh (gọi tắt là chủ thể) hoàn thiện sản phẩm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Triển khai chương trình OCOP, từ năm 2018 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đăk Hà đã tìm kiếm, lựa chọn và xây dựng được 13 sản phẩm đặc trưng. Đặc biệt, với lợi thế về sản phẩm cà phê, thời gian qua chính quyền địa phương và nhiều chủ thể trên địa bàn huyện chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm để nâng tầm sản phẩm cà phê Đăk Hà. Bằng những cách thức rất riêng, mỗi chủ thể đang biết cách để tạo nên điểm nhấn cho sản phẩm của mình từ vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương phấn đấu trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đơn cử như sản phẩm cà phê bột Hải Tình của Hợp tác xã kiểu mới Sản xuất nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Hải Tình đã xuất hiện trên thị trường được một thời gian. Với chất lượng, hương vị đặc biệt, sản phẩm từng bước xây dựng được thương hiệu và đã phân phối được tại nhiều thị trường trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…Nhưng thực tế, sản lượng hàng hóa sản xuất ra mỗi năm vẫn còn khiêm tốn vì Hợp tác xã đang thiếu tiềm lực để đầu tư nâng cấp máy móc. Hợp tác xã vẫn đang phải mày mò để tìm thị trường tiêu thụ, chưa tiếp cận được với các kênh xúc tiến thương mại, do đó mức tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều và thiếu ổn định.

Sản phẩm cà phê bột của Hợp tác xã Thế hệ mới Đăk Mar vừa tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: N.T

 

Anh Lương Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP chính là gia nhập vào sân chơi lớn để chúng tôi biết sản phẩm của mình đã đạt được những tiêu chuẩn nào, thiếu những gì, cần bổ sung gì, từ đó có định hướng hoàn thiện. Hơn nữa, việc được bình chọn, xếp hạng sao cũng mở ra cơ hội để Hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư nâng cấp máy móc, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm là mong muốn lớn nhất của chúng tôi.

Mấy năm qua, sản phẩm cà phê rang xay Dakmark của Công ty TNHH MTV Nguyễn Huy Hùng không còn xa lạ với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm cũng đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước.

Theo Giám đốc Phạm Thị Tuyết, từ khi bắt tay vào sản xuất cà phê, chúng tôi đặt ra mục tiêu có sản phẩm tốt và có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Việc tham gia sân chơi OCOP là để sản phẩm “vươn ra biển lớn” bởi khi sản phẩm thoả mãn các quy định chặt chẽ, được công nhận và gắn sao OCOP có nghĩa là chính thức trở thành sản phẩm hàng hoá đầy đủ tư cách đứng chân trên thị trường và cạnh tranh “sòng phẳng” với tất cả các sản phẩm của các thương hiệu khác chứ không chỉ trông mong vào sự ưu tiên, ưu ái của một bộ phận người tiêu dùng hay một vài nhà phân phối.

Một số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: NT

 

Ông Hoàng Nghĩa Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện Đăk Hà đã kết nối với các ngành hỗ trợ các chủ thể tập trung phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa, đồng bộ, bài bản, đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn cần thiết, thị hiếu của người tiêu dùng. Trên cơ sở, các chủ thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm để tạo dựng chỗ đứng, đưa sản phẩm của địa phương phủ sóng rộng rãi trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, năm nay, UBND huyện phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh tổ chức 2 đợt bình chọn, đánh giá sản phẩm OCOP. Trong đợt 1 vừa qua, toàn huyện có 7 sản phẩm của 6 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng. Kết quả, có 6/7 sản phẩm đạt từ 55 - 92,5 điểm (trên thang điểm 100) được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí như chất lượng, khả năng phát triển thị trường, xã hội và môi trường; văn hóa, thẩm mỹ... đủ tiêu chuẩn để gửi hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chứng nhận, xếp hạng sao.

“Việc được công nhận là sản phẩm OCOP có thể coi như là “tấm thẻ xanh” mở ra cơ hội phát triển cho các chủ thể, đồng thời được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị cho các sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn huyện Đăk Hà phát triển”- ông Trí nhấn mạnh.

Lợi ích khi tham gia chương trình OCOP đã thấy rõ, nhưng theo đánh giá của UBND huyện Đăk Hà, OCOP là chương trình mới, nên việc thực hiện bước đầu vẫn còn khá lúng túng với cả những người làm công tác quản lý, phụ trách lẫn các chủ thể. Các chủ thể còn khá dè dặt trong việc xây dựng sản phẩm, tham gia để phân hạng. Ngay cả các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xếp hạng vừa qua cũng còn những hạn chế như quảng bá xúc tiến thương mại yếu; mẫu mã, bao bì của một số sản phẩm chưa thật ấn tượng, nội dung câu chuyện sản phẩm chưa đặc sắc, chưa được tư liệu hóa (trên nhãn, tờ rơi, website)…

Chương trình OCOP là cơ hội, nhưng đây cũng là thách thức đối với mỗi chủ thể trong quá trình đi tìm chỗ đứng, khẳng định vị thế. Để làm nên những sản phẩm OCOP, cùng với sự đồng hành của các cấp, các ngành và các địa phương, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm.

Ngọc Thắng

Chuyên mục khác