Sa Thầy: ​Nông dân hối hả thu hoạch mì non vùng bán ngập

01/09/2018 13:01

​Sau nhiều ngày bị ngâm trong nước, củ mì đã có dấu hiệu bị thối, vì vậy bà con phải hối hả thu hoạch mì để bán cho nhà máy. Cũng may mà giá thu mua vẫn cao nên gỡ được phần nào- một nông dân ở xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) cho chúng tôi biết...

"Không nhanh tay thì mất trắng"

Là một trong những xã có diện tích mì lớn của huyện Sa Thầy, hiện Sa Bình có khoảng 700 ha, trong đó có 141 ha trồng trên vùng đất bán ngập. Nhiều năm nay, việc canh tác trên đất bán ngập đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình ở nơi đây.

Khác với những vùng đất khác, trên vùng bán ngập, bà con chỉ có thể trồng cây mì. Do có phù sa bồi đắp hàng năm nên mì trồng ở đây cho năng suất, sản lượng cao, nhiều bột, thu hoạch lại dễ dàng - Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Hữu cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Trần Văn Hữu, do dự báo giá thu mua mì năm nay khá cao và ổn định nên bà con nông dân đang khấp khởi mừng, chờ mì đến "độ chín" mới thu hoạch. Đùng cái, mưa lớn kéo dài, trừ diện tích mì trồng trên đồi cao, đất dốc không bị ảnh hưởng mấy, còn diện tích mì trồng trên đất ruộng và đất bán ngập đều chìm trong nước, nên nông dân phải thu hoạch sớm.

Anh Lê Tấn Phước thu hoạch diện tích mì bị ngập úng. Ảnh: T.H

 

Phó Chủ tịch Trần Văn Hữu đội mưa dẫn chúng tôi đi xuống vùng bán ngập (bà con thường gọi là bãi). Trời tiếp tục mưa, đất nhũn ra, xăm xắp nước. Ngay đầu bãi, chúng tôi gặp anh Lê Tấn Phước đang lui cui nhổ mì dưới màn mưa mờ mịt. Trên mặt bãi đầy những đống củ mì cỡ cán dao, thuôn dài; nhiều củ đã đen đầu.

Anh Phước cho biết năm nay gia đình trồng được hơn 2 sào mì trên vùng bán ngập. Thông thường hàng năm, cứ đến hết tháng 8, nhà máy thủy điện mới thông báo tích nước, sau đó khoảng 1 tuần mới đến kỳ thu hoạch, nhưng nay do mưa lũ kéo dài, nước dâng sớm, ngập hết cả nên phải kiếm người nhổ, không ráng được nữa.

"Đất nhà mình ở khá cao nên cứ trù trừ đến hôm nay mới thu hoạch mì, chứ mấy nhà dưới kia đã phải nhổ mì từ mấy ngày trước rồi"- anh Phước nói.

Ngoài diện tích mì trồng ở vùng bán ngập, gia đình anh Phước còn trồng hơn 1 sào mì trên đất ruộng cũng bị úng nước, cần phải nhổ ngay. Theo anh Phước, nếu như mọi năm, để được đến tháng 11, tháng 12 thì củ lớn, độ bột cao, năng suất, sản lượng hơn hẳn. "Nhưng mấy ngày nay mưa quá, úng hết trơn, xong việc dưới bãi là mình cũng thu hoạch khẩn trương kẻo mì thối củ hết"- anh Phước phàn nàn.

Giống như anh Phước, chị Đinh Thị Hồng Thương (thôn 1) cũng có hơn 2 ha mì ở vùng bán ngập và phải thuê người thu hoạch chạy lũ. "Nhổ sớm thế này thì củ nhỏ, chưa đủ độ bột, dẫn đến năng suất, sản lượng giảm, nhưng cái giống mì này đâu có chịu được nước. Ngập úng vài hôm là có dấu hiệu thối, nếu “không nhanh tay thì mất trắng như chơi”- Chị Thương phân trần.

Điều an ủi  với người dân là thời điểm này giá thu mua mì đã tăng cao, đạt mức 2.300 đồng/kg. "Bà con phấn khởi vì mì được giá, Càng may mắn hơn là nhà máy mở cửa thu mua, kể cả mì chưa đủ ngày, còn non, độ bột chưa cao, lại ngâm nước, dính đầy bùn đất"- chị Thương kể.

Không để nông dân "thiệt đơn thiệt kép"

Tôi đem câu chuyện mì bị ngập úng trên diện rộng sau mưa lũ khiến bà con nông dân phải hối hả thu hoạch sớm kể cho Chủ tịch UBND xã Sa Bình - Nguyễn Minh Thuận nghe, anh cho biết thêm, sau đợt mưa lũ vừa qua, xã Sa Bình có 65 ha mì bị ngập úng nặng, trong đó có 15 ha mất trắng, không kịp thu hoạch vì nước lên nhanh quá, chưa kể diện tích thiệt hại nhẹ, bà con nhổ bán cho nhà máy vì sợ mưa tiếp.

Cần phải nói rằng, đây là thiệt hại bởi thiên tai, chứ không phải do vận hành hồ thủy điện có vấn đề. Thực hiện quy chế phối hợp, mọi hoạt động liên quan đến vận hành hồ thủy điện Ia Ly đều được bên nhà máy thông báo kịp thời - Chủ tịch UBND xã Sa Bình- Nguyễn Minh Thuận khẳng định.

Ngay sau khi xảy ra tình trạng mưa lũ gây ngập úng diện tích mì chưa đến kỳ thu hoạch, chính quyền địa phương đã làm việc với nhà máy của Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum đứng chân trên địa bàn về kế hoạch thu mua mì giúp bà con, đồng thời tổ chức vận động, hướng dẫn bà con thu hoạch mì chạy ngập theo phương châm "non nhà hơn già đồng"- Ông Thuận cho biết thêm.

Ông Đỗ Đình Ban- Giám đốc nhà máy (thuộc Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum)) cho biết: Quan điểm của nhà máy là chia sẻ khó khăn với bà con nông dân- vấn đề được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, dù mì bị ngập úng, hư hại nhà máy vẫn thu mua.

"Chúng tôi bắt đầu mở cửa thu mua và vận hành dây chuyền sản xuất từ ngày 22/8, xe chở đến bao nhiêu thu mua bấy nhiêu với giá thị trường, việc trừ tạp chất và tính độ bột đều đảm bảo theo hướng có lợi nhất cho nông dân. Nhà máy quyết tâm hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân vượt qua khó khăn này"- ông Đỗ Đình Ban khẳng định.

Vào những ngày này, không chỉ ở Sa Bình mà đến bất cứ xã nào của huyện Sa Thầy đều gặp cảnh bà con nông dân hối hả thu hoạch mì non vì ngập nước.

Theo ông Trần Đình Huân- Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Sa Thầy cho biết, hiện UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo các xã, thị trấn có biện pháp hỗ trợ nông dân, nhất là kịp thời ngăn chặn tình trạng tư thương lợi dụng khó khăn của người dân để ép giá.

Để tránh tình trạng tư thương ép giá, thu mua mì với giá thấp hơn rất nhiều với giá thị trường, thậm chí không cho bà con bán mì cho thường lái ngoài địa bàn, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng khó khăn của người dân để ép giá, độc quyền mua bán; tăng cường kiểm tra, quản lý các hoạt động mua bán nông sản trên địa bàn...

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn chủ động liên hệ với các nhà máy chế biến nông sản để họ tạo điều kiện thu mua mì bị ngập úng, không để nông dân thiệt đơn thiệt kép, đã giảm năng suất, sản lượng lại bị ép bán với giá thấp hơn giá thị trường- ông Trần Đình Huân khẳng định với chúng tôi về những giải pháp kiên quyết của chính quyền nhằm hỗ trợ nông dân, không để họ phải chịu “thiệt đơn thiệt kép”.

Thành Hưng

Chuyên mục khác