14/12/2019 06:24
Bà Tạ Thị Diệu - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Sa Thầy cho biết: Cho đến nay, sắn vẫn là một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy, nhất là các hộ đồng bào DTTS, được coi là “cây thoát nghèo” của người dân. Thế nhưng, từ trước đến nay, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế khiến cho năng suất đạt thấp; bộ giống sử dụng lâu năm có biểu hiện thoái hóa. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết giữa người sản xuất và các nhà máy chế biến cũng chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh. Vì vậy, để hướng người dân đến việc sản xuất sắn bền vững, ổn định, từ tháng 4/2019 Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy triển khai thí điểm mô hình “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm từ cây sắn”. Mô hình được thực hiện với sự liên kết chặt chẽ giữa Phòng NN&PTNT huyện với 52 hộ dân (thuộc 3 xã Rờ Kơi, Ya Tăng và Mô Rai), Cơ sở sản xuất và kinh doanh Nhân Phát và có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Vina tại Kon Tum.
Theo đó, giống sắn KM140 được lựa chọn đưa vào trồng thí điểm có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ từ 8 - 10 tháng), trữ lượng bột cao, không bị mắc bệnh chổi rồng, khảm lá sắn như giống sắn đang được trồng phổ biến trên địa bàn huyện Sa Thầy (giống KM94). Đặc biệt, giống sắn KM140 được người dân xã Sa Bình và một số ít hộ dân ở các xã trên địa bàn huyện trồng trong vài vụ gần đây cho thấy khả năng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất Sa Thầy, tạo được niềm tin với người dân.
|
Tham gia mô hình này, các hộ dân được hỗ trợ toàn bộ hom giống, 50% vật tư và được các cán bộ chuyên môn tập huấn, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật từ lúc làm đất, xuống giống đến khi thu hoạch. Chi nhánh Công ty cổ phần xuất khẩu nông sản Vina Kon Tum cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch với giá bảo hiểm là 2.000 đồng/kg và sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường.
Cũng theo bà Tạ Thị Diệu, với giá sắn tươi đang được các nhà máy trên địa bàn huyện thu mua vào khoảng 2.500 - 2.700 đồng/kg thì sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, người dân vẫn cầm chắc trong tay 25 - 26 triệu đồng/ha, nếu các gia đình có công lao động thì mức lãi sẽ cao hơn.
Là hộ đầu tiên xung phong tham gia mô hình xây dựng chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm từ sắn, anh A Ngun (làng Đăk Đê, xã Rờ Kơi) không giấu nổi niềm vui khi 1,2ha sắn chuẩn bị thu hoạch.
Anh A Ngun chia sẻ: Nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn trồng giống sắn KM94, nhưng gần đây, giống sắn này hay bị thối củ, vàng lá nên đợt vừa rồi thấy cán bộ phổ biến trồng thử nghiệm giống mới tôi đăng ký tham gia. Giống mới đòi hỏi mình phải đầu tư thâm canh, nhưng lại mất ít công làm cỏ hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên việc xoay vòng sản xuất vụ mới nhanh hơn. Vừa qua, tôi nhổ kiểm tra thử một số gốc sắn thì thấy nhiều củ, bình quân phải đạt 2,5 - 3kg/gốc, như vậy 1ha chắc chắn sẽ thu về 30 tấn củ tươi, gấp 1,5 lần so với giống cũ.
Chỉ xuống những gốc cây lùm lùm đội đất lên, A Chuối (làng Giang Xiêng, xã Rờ Kơi) phấn khởi khoe: Nhìn vào các gốc sắn là biết nó nhiều củ. Nhà mình làm hơn 1ha vụ này chắc chắn sẽ thắng to. Hơn thế, toàn bộ sản phẩm làm ra còn được nhà máy cam kết thu mua nên mình không phải phụ thuộc vào thương lái.
Có thể nói, sắn là loại cây trồng phù hợp với vùng đất Sa Thầy và tập quán sản xuất bà con DTTS trên địa bàn, bởi khả năng thích nghi được với điều kiện địa hình đồi núi dốc, khí hậu khô nóng nơi đây và phù hợp với trình độ canh tác của người dân. Việc đưa giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết giá trị sẽ góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị cây sắn, mang lại thu nhập cao cho người dân. Đây chính là một trong những hướng đi phù hợp trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sa Thầy.
Thùy Hương