07/08/2021 13:08
Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn huyện Sa Thầy đang đầu tư nuôi động vật hoang dã để phát triển kinh tế gia đình. Đây là hướng đi mới trong lĩnh vực chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định và góp phần duy trì nguồn gen các động vật rừng thông thường, nguy cấp, quý, hiếm.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, toàn huyện hiện có 5 cơ sở nuôi động vật hoang dã (2 cơ sở ở thị trấn Sa Thầy, 3 cơ sở ở xã Mô Rai), chủ yếu nuôi dúi, heo rừng, cầy vòi hương với tổng số lượng 493 cá thể.
Ông Võ Thanh Hồng- cán bộ kỹ thuật Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy cho biết: Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tích cực tham mưu cho UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm) tổ chức kiểm tra các cơ sở gây nuôi và nhà hàng kinh doanh thực phẩm được chế biến từ động vật hoang dã trên địa bàn.
|
Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng được thực hiện thường xuyên. Do vậy, các cơ sở nuôi động vật hoang dã, nhà hàng kinh doanh đều thực hiện đúng quy định pháp luật và có hồ sơ nguồn gốc rõ ràng. Đối với cơ sở nuôi 8 cá thể cầy vòi hương ở xã Mô Rai cũng đã đăng ký với Chi cục Kiểm lâm để cấp mã trại vì cầy vòi hương là động vật rừng nằm trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB.
Ông Hồ Thế Dũng ở thôn 4, thị trấn Sa Thầy cho hay, gia đình ông nuôi động vật hoang dã từ năm 2017 với 40 cá thể dúi được mua hợp pháp từ 1 cơ sở ở tỉnh Sơn La. Đến nay, đàn dúi của gia đình ông phát triển lên số lượng 328 cá thể. Ngoài đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, kê lâm sản và ghi chép thông tin đầy đủ trong sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật rừng thông thường, mỗi khi đàn dúi có thay đổi về số lượng cá thể qua hoạt động mua, bán, gia đình ông đều báo với Hạt Kiểm lâm huyện đến xác nhận và lập biên bản kiểm tra.
|
Ông Đào Anh Chiến- Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray kiêm Giám đốc Trung tâm bảo tồn, đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái chia sẻ, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã, đơn vị đã tổ chức ký cam kết với các hộ dân, tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, nhờ vậy, thời gian qua, trên diện tích rừng đơn vị quản lý không xảy ra trường hợp người dân ở vùng đệm thực hiện hành vi săn bắt, tàng trữ, vận chuyển và mua bán các động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường công tác thông tin, tiếp nhận và cứu hộ kịp thời các cá thể động vật hoang dã do lực lượng chức năng ở trong, ngoài tỉnh phát hiện thu giữ và người dân tự nguyện giao nộp. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm bảo tồn, đa dạng sinh học và du lịch đã tổ chức tái thả 7 cá thể, gồm diều hoa Miến Điện, diều lửa, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn về môi trường tự nhiên. Hiện tại, Trung tâm đang cứu hộ, chăm sóc 14 cá thể động vật hoang dã, gồm chồn hương, kỳ đà, mèo rừng, rùa…
Với những nỗ lực quản lý, bảo tồn của lực lượng chức năng và sự chung tay, chấp hành đúng các quy định pháp luật người dân địa phương, chúng ta có thể tin tưởng rằng, hệ sinh thái rừng tự nhiên cùng những cá thể động vật hoang dã trên địa bàn huyện Sa Thầy được bảo vệ và ngày càng phát triển.
Đức Thành