Sa Thầy: Phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số

13/01/2019 06:49

Là một huyện miền núi, biên giới, Sa Thầy có 57% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS); đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì vậy, những năm qua huyện đã có nhiều chính sách quan tâm, gắn với việc phát huy hiệu quả chính sách đầu tư của Nhà nước hỗ trợ hộ ĐBDTTS nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hộ ĐBDTTS rơi vào hộ nghèo là do thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất. Vì vậy, những năm qua, huyện Sa Thầy đã có nhiều giải pháp định hướng hộ nghèo phát triển kinh tế, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với hộ nghèo. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có hơn 10.000 lượt hộ nghèo ĐBDTTS được hưởng lợi từ các chương trình đầu tư của nhà nước.

Gia đình anh A Khom ở làng Kram, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy thuộc diện hộ nghèo, đang loay hoay không biết trồng cây gì cho hiệu quả, anh được Trạm Khuyến nông huyện chọn tham gia mô hình trồng cây cà phê vối.

A Khom chia sẻ: Khi được tham gia mô hình, tôi đã chuyển 0,5ha lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng cà phê. Được Nhà nước hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật nên tôi rất yên tâm. Sau này chúng tôi cố gắng chăm sóc để cây trồng phát triển.

Với phương châm “Trao cần câu và hướng dẫn cách câu”, phương pháp hỗ trợ hộ nghèo ĐBDTTS phát triển kinh tế đã được huyện chú trọng vào việc phát huy tính tự lực của hộ dân, thay đổi phương thức sản xuất, đồng thời tiếp cận với các loại cây, con giống cho hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Huyện đã phát huy tối đa chương trình Khuyến nông - Khuyến lâm để hỗ trợ hộ ĐBDTTS chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và phát triển kinh tế theo hướng thâm canh, đa canh cây trồng.

Bà Tạ Thị Diệu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Những năm qua từ nguồn vốn chương trình Khuyến nông – Khuyến lâm, chúng tôi tập trung xây dựng mô hình thí điểm cho các thôn làng ĐBDTTS như mô hình thâm canh cây cà phê vối; hỗ trợ ngư cụ khai thác đánh bắt cá lòng hồ thủy điện; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ban đầu, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, người dân còn chưa quen với việc trồng cây cà phê, kỹ thuật chưa nắm được, Trạm Khuyến nông huyện đã hướng dẫn cụ thể cho bà con theo hướng cầm tay chỉ việc. Đến nay, tại làng Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong, 5ha cà phê của 10 hộ dân tham gia thí điểm đã cho hiệu quả cao, bình quân 1 ha cho thu hoạch từ 10 đến 15 tấn quả tươi. Từ hiệu quả của mô hình, bà con ở Đăk Wớt Yốp đã cùng nhau phát triển cây trồng, mỗi gia đình bình quân đều có khoảng 1ha cà phê.

Ông A Nuih ở làng Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong đang chăm sóc vườn cà phê sau khi thu hoạch

 

Đang tất bật tưới vườn cà phê sau thu hoạch, ông A Nuih ở làng Đăk Wớt Yốp, xã Hơ Moong (gia đình được huyện hỗ trợ cải tiến ngư cụ đánh bắt thủy sản tại lòng hồ thuỷ điện Plei Krông, mỗi ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng) vui mừng cho biết: Làng Đăk Wớt Yốp được như ngày hôm nay là nhờ Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ. Làng chúng tôi có 78/80 hộ đã có nguồn thu nhập từ cây cà phê. So với trước đây, cuộc sống bà con tốt hơn, tiến bộ hơn nhiều rồi.

Nhờ thực hiện chính sách quan tâm đến hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có gần 2.000 hộ nghèo ĐBDTTS thoát nghèo. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo ĐBDTTS còn hơn 2.400 hộ, góp phần nâng cao đời sống cho hộ ĐBDTTS, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trên địa bàn huyện.                       

Bài và ảnh: Trang Nhung

 

 

 

 

Chuyên mục khác