08/06/2022 13:09
Theo kế hoạch, năm 2022, xã Sa Nhơn được UBND huyện Sa Thầy giao trồng 40ha rừng cây bạch đàn cự vỹ, loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và đã có nhiều hộ dân trên địa bàn trồng trong những năm trước đây.
Triển khai công tác trồng rừng, đến nay, xã Sa Nhơn cơ bản hoàn thành xong công tác chuẩn bị đất, phát dọn thực bì và xử lý mối mọt để chuẩn bị xuống giống trồng rừng.
Ông Đặng Thu Thạnh, hộ dân ở thôn Nhơn An (xã Sa Nhơn) cho biết, năm 2020, nhờ hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông đã trồng 2ha cây bạch đàn cự vỹ trên diện tích đất rẫy bạc màu (do trồng cây mì trong nhiều năm). Qua 2 năm trồng bạch đàn cự vỹ, nhận thấy đây là loại cây dễ chăm sóc và có giá trị kinh tế nên năm 2022, gia đình ông Thạnh mạnh dạn chuyển đổi, tiếp tục trồng thêm 4ha cây bạch đàn cự vỹ trên diện tích đất rẫy của gia đình.
“Tôi đã đi đến tỉnh Khánh Hòa để tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bạch đàn cự vỹ. Nếu được chăm sóc tốt, đến năm thứ 7 cây cho thu hoạch và mang lại thu nhập cao, ổn định”, ông Thạnh chia sẻ.
Hiện nay, diện tích trồng cây bạch đàn cự vỹ rộng 2ha của ông Thạnh đang phát triển ổn định, đường kính thân cây trên 5cm và chiều cao cây trên 3m.
Nhận thấy ông Thạnh trồng cây bạch đàn cự vỹ phát triển tốt, nhiều hộ dân trong thôn Nhơn An cũng học theo, chuyển đổi diện tích đất trồng mì đã bạc màu, nằm ở khu vực đồi núi cao sang trồng cây bạch đàn cự vỹ. Đó là hộ anh Hoàng Thanh Thơm trồng 4,09ha, hộ anh Hoàng Thanh Nam trồng 2,45ha…
Tại thôn Nhơn Bình (xã Sa Nhơn), một số hộ dân có diện tích đất rẫy giáp với xã Rờ Kơi cũng đang tất bật đào hố, xử lý mối mọt để chuẩn bị xuống giống trồng rừng.
Năm 2020, gia đình chị Lại Thị Sáng ở thôn Nhơn Bình được Nhà nước hỗ trợ trồng cây bạch đàn cự vỹ trên diện tích khoảng 5.000m2 đất rẫy. Đến nay, diện tích bạch đàn cự vỹ do gia đình chị Sáng trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Lại Văn Huy- Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn cho biết, sau khi thông báo về kế hoạch trồng rừng trên địa bàn xã Sa Nhơn trong năm 2022, ban đầu có hàng chục hộ dân trên địa bàn đăng ký trồng rừng với tổng diện tích 70,5ha. Qua quá trình đo đạc, kiểm tra thực địa của địa phương đã xác định diện tích được Nhà nước hỗ trợ trồng rừng là 33,5ha.
|
Hiện nay, xã Sa Nhơn đã cơ bản triển khai xong công tác tập huấn, chuẩn bị đất và nhân lực để tiến hành trồng hơn 40ha rừng trên địa bàn đạt kế hoạch và đem lại hiệu quả cao. Một số hộ dân không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ đã chủ động xuống giống với tổng diện tích hơn 2ha. Số hộ dân còn lại đang đợi địa phương cấp cây giống để triển khai đào hố và trồng theo kế hoạch đề ra.
Ông Trần Lệnh Tuyến- Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi khẳng định, đến thời điểm hiện tại, các hộ dân trên địa bàn xã Rờ Kơi đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị đất để tiến hành triển khai công tác trồng rừng năm 2022. Năm nay, xã Rờ Kơi được UBND huyện Sa Thầy giao chỉ tiêu trồng 80ha rừng nhưng qua đăng ký từ người dân, có 55 hộ dân trên địa bàn đăng ký trồng gần 83ha rừng.
Công tác đo đạc được xã Rờ Kơi phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai đúng tiến độ đề ra, qua đó xác định có 23 hộ dân với diện tích 48,6ha trồng rừng được Nhà nước hỗ trợ; 32 hộ dân còn lại với diện tích 34ha tự bỏ kinh phí để trồng rừng.
“UBND xã Rờ Kơi đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bạch đàn cự vỹ ngoài thực địa cho các hộ dân. Bên cạnh đó, UBND xã cũng làm việc với đơn vị chủ rừng trên địa bàn hỗ trợ bán cây giống trả góp cho các hộ dân không nằm trong danh sách được Nhà nước hỗ trợ trồng rừng”, ông Tuyến chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, đến nay, một số hợp tác xã ở các xã Ya Ly, Mô Rai sau khi làm việc với UBND huyện Sa Thầy đã chủ động liên kết, trồng rừng với các hộ dân trên địa bàn (những hộ không được Nhà nước hỗ trợ trồng rừng). Một số hộ dân ở xã Rờ Kơi đăng ký trồng rừng với diện tích lớn từ 5-10ha/hộ đã chủ động xuống giống được 1-2 tuần, hiện tại diện tích rừng trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Giả Tấn Đạt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết, mục tiêu trồng rừng năm 2022 của huyện Sa Thầy là 648ha với loại cây chủ yếu là bạch đàn (giống u rô, cự vỹ), trong đó, có 368ha người dân không được hỗ trợ và tự trồng rừng. Hiện tại, trong số 368ha, người dân, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể đã chủ động trồng được khoảng 100ha rừng.
“Theo kế hoạch, giữa tháng 6/2022, huyện Sa Thầy sẽ tổ chức cấp cây giống trồng rừng cho các xã trên địa bàn; phấn đấu trong tháng 7/2022, huyện sẽ hoàn thành việc xuống giống trồng rừng”, ông Giả Tấn Đạt thông tin.
Đức Thành