Sa Thầy nỗ lực giảm nghèo bền vững

04/08/2024 13:05

Thời gian qua, huyện Sa Thầy lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các chương trình MTQG để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, nâng cao ý thức, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người nghèo trên địa bàn.

Trong năm 2024, huyện Sa Thầy được phân bổ trên 16 tỷ đồng nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để thực hiện công tác giảm nghèo. Bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh; UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo các đoàn thể chính trị- xã hội phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác giảm nghèo tại địa phương bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm; gắn kết hiệu quả với nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo “sức mạnh nội lực” khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân địa phương.

Lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân vay vốn hiệu quả. Ảnh: H.T

 

Huyện Sa Thầy quan tâm chỉ đạo các địa phương trên địa bàn xây dựng, phát triển, nhân rộng nhiều mô hình, dự án giảm nghèo đạt hiệu quả; chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con giống, công cụ sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào DTTS về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ sản xuất, đời sống, nhằm tạo nền tảng kinh tế, kỹ thuật, xã hội vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bên cạnh triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân, huyện Sa Thầy tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên của người nghèo. Đồng thời, gắn kết với các phong trào thi đua như “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ người dân nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả.

Từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Sa Thầy tiến hành triển khai trên 30 dự án cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo DTTS tham gia nuôi bò sinh sản, heo thịt, trồng sầu riêng, mắc ca, cao su, các loại cây ăn quả; xây dựng hơn 60 mô hình nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hỗ trợ người nghèo DTTS phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi trồng trọt…

Anh A Lưới ở làng Lung Leng, xã Sa Bình từng là hộ nghèo có cuộc sống khó khăn, nhưng nhờ được hỗ trợ vốn đầu tư các mô hình sản xuất, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, anh đã nỗ lực vượt khó, cần cù trong lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm gương cho nhiều người khác noi theo.

Anh A Lưới chia sẻ: “Trước đây, gia đình mình và nhiều hộ khác trong làng đều thuộc diện hộ nghèo. Bởi, mọi người không biết áp dựng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, nên quá trình đầu tư vào sản xuất nông nghiệp không đem lại hiệu quả kinh tế. Nhờ được vay nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ cây con giống và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình mình đã đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả. Hiện gia đình mình đã trồng được 3,5ha cao su và mở rộng chăn nuôi heo, bò, trồng các loại cây ăn quả để cải thiện thu nhập, từng bước ổn định và phát triển kinh tế gia đình”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh niên trên địa bàn tích cực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: HT

 

Không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, những năm qua, chị Y Tanh ở làng Chốt (thị trấn Sa Thầy ) là một tấm gương tiêu biểu tại địa phương trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Gia đình chị mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững, tích cực hướng dẫn, động viên các hộ khác noi theo.

Chị Y Tanh cho biết: “Sau khi được vay vốn, tôi luôn bám sát các hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ địa phương để đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Nhờ nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hỗ trợ cây giống, phân bón, tôi đã đầu tư nuôi bò sinh sản, tích cực cải tạo vườn tạp, trồng sầu riêng để có thêm thu nhập, ước tính hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Số tiền này giúp tôi ổn định cuộc sống gia đình, dành dụm để trả nợ vốn vay và tái đầu tư sản xuất”.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị địa phương, trong năm 2023, huyện Sa Thầy có 944 hộ thoát nghèo và hơn 600 hộ thoát cận nghèo, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Trong năm 2024, huyện Sa Thầy phấn đấu giảm hơn 4% hộ nghèo, trong đó giảm 3,6% đối với hộ nghèo ở vùng DTTS. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân; gắn với phát huy hiệu quả các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng DTTS. Bên cạnh đó, tích cực phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và của mỗi cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện các chương tình, dự án giảm nghèo đảm bảo hiệu quả, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới; lồng ghép hiệu quả các nguồn lực ở nhiều lĩnh vực để hỗ trợ người nghèo tạo sinh kế, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác