Sa Thầy: Niềm vui giảm nghèo

31/12/2017 08:22

​Đến Sa Thầy những ngày này mới cảm nhận hết được niềm vui của bà con nơi đây. Không vui sao được khi sau một năm nỗ lực, phấn đấu, 824 hộ đã thoát nghèo, 332 hộ thoát cận nghèo. Không còn cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai, nhiều hộ gia đình đã rục rịch đón năm mới với niềm hân hoan, phấn khởi.

Trao “cần câu”

Với mục tiêu cho người nghèo “cần câu”, tạo đà vươn lên phát triển kinh tế, trong năm 2017, huyện Sa Thầy đã tập trung các nguồn lực, hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình phù hợp, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Không để người dân quanh quẩn trồng cây lúa, cây mì, huyện Sa Thầy đã cấp giống, hỗ trợ phân bón, giúp hộ nghèo tại các xã phát triển cây cà phê, bời lời.

Mới ngày nào, Hơ Moong còn khô cằn, nhà cửa lưa thưa, vậy mà nay, mọi thứ đã khởi sắc. Toàn xã đã phát triển được hơn 600ha cây cà phê, trở thành một trong những vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất của huyện Sa Thầy.

Ông Mai Nhữ Nam – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết: Trước đây bà con chủ yếu trồng cây mì, cây lúa. Thời gian qua, được hỗ trợ, bà con đã biết cách trồng cây cà phê, bời lời, cao su đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển cây cà phê, huyện còn hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người dân tại xã Sa Bình và Hơ Moong phát triển mô hình mới: trồng cà phê xen đinh lăng và trồng bơ xen đinh lăng.

Như xã Hơ Moong, toàn xã có 25 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ trồng 16ha bơ xen đinh lăng và cà phê xen đinh lăng. Được cho cần câu, nhiều hộ dân khấp khởi vui mừng, chăm sóc và phát triển vườn cây rất tốt.

Cùng với đó, huyện cũng nghiên cứu, tạo điều kiện cho 10 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Sa Nhơn trồng 20ha cây sa nhân tím dưới tán rừng.

Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống, phát triển các mô hình, những tháng cuối năm, huyện Sa Thầy còn hỗ trợ bò cái giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Được hỗ trợ bò, các hộ dân làm chuồng trại, chăn nuôi đàng hoàng. Ảnh: B.A

 

“Qua rà soát, kiểm tra, chúng tôi đã hỗ trợ được khoảng 200 con bò cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 7 xã, thị trấn. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục rà soát và cấp bò để bà con có thêm nguồn phát triển kinh tế” - bà Tống Thị Nghĩa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy cho biết.

824 hộ thoát nghèo

Dẫn khách đi thăm căn nhà còn thơm mùi sơn mới, anh A Hoen ở làng Kleng, thị trấn Sa Thầy khấp khởi vui mừng.

2 năm về trước, gia đình anh là hộ nghèo, sống trong căn nhà lụp xụp, mọi chi tiêu đều túng thiếu. Vậy mà nay, sau một năm nỗ lực, cộng thêm sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nguồn lực, gia đình anh đã vươn lên, thoát khỏi cái nghèo.

Anh Hoen cho biết, trước đây, gia đình anh gặp nhiều khó khăn, không có vốn cũng không có giống để làm kinh tế. Khi được huyện cấp giống bời lời, anh cần cù chăm sóc, đồng thời vay thêm các nguồn vốn giảm nghèo, trồng hơn 6 sào bời lời. Bên cạnh đó, được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn, anh cũng chắt bóp, tiết kiệm tiền trồng thêm 1ha mì, gần 1ha cao su.

Không chỉ thế, khi được hỗ trợ 1 con bò cái, anh Hoen cẩn thận làm chuồng trại, chuẩn bị thức ăn kĩ càng, chăm sóc bò thật tốt.

“Nhờ được hỗ trợ, giúp đỡ, năm nay, mình xây được nhà khang trang, mua được các vật dụng cần thiết trong gia đình. Thoát nghèo, mình mừng lắm! Với những vốn liếng sẵn có, mình sẽ chăm chỉ để cuộc sống ngày càng ấm no” – anh Hoen phấn khởi nói.

Hộ gia đình anh A Ni ở làng Kleng, thị trấn Sa Thầy cũng sử dụng các nguồn giống hỗ trợ, các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Năm nay, thoát khỏi hộ nghèo, anh Ni cũng tự đặt ra mục tiêu quyết không tái nghèo. “Khó khăn vẫn còn nhưng mình sẽ cố gắng để thoát nghèo bền vững”- anh Ni nói.

Được hỗ trợ giống cà phê, 1 con bò để phát triển kinh tế lại được hỗ trợ lưới để làm ngư cụ đánh bắt cá, hộ gia đình ông A Tui ở làng Đăk Wơk Yốp, xã Hơ Moong đã thoát nghèo bền vững.

“Từ giống hỗ trợ, cộng thêm cà phê trong gia đình tự trồng, năm nay mình đã thu về hơn 3 tấn cà phê. Sắp đến, mình sẽ tiếp tục nhân rộng cà phê cũng như tiếp tục chăn nuôi để phát triển kinh tế trong gia đình”- ông A Tui nói.

Thoát khỏi cái nghèo, dù còn chật vật với kinh tế nhưng nhiều hộ gia đình đã xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, bà con tự tin, vươn lên làm ăn. Nhiều hộ quả quyết, khó khăn thế nào mình cũng sẽ cố gắng làm, chi tiêu tiết kiệm, quyết không để tái nghèo.

Bình An 

Chuyên mục khác