Sa Thầy: Ngày xuân vui chuyện giảm nghèo

22/02/2017 08:15

Ngày xuân, gác sang một bên bộn bề công việc, tôi quyết định len lỏi trên các xóm làng ở huyện Sa Thầy để nghe, để ngắm chuyện làm ăn của bà con. Xe lướt qua những vườn cao su đang vươn những tán lá non xanh biếc; những triền cà phê đang bung hoa trắng muốt; rồi những cánh đồng mơn mởn màu xanh của lúa nước vụ đông. Câu chuyện về xóa đói giảm nghèo cứ kéo dài mãi trong chuyến đi…

Ngồi trước mặt tôi là chị Phạm Thị Xuân Bốn - người phụ nữ có dáng người nhỏ bé, gương mặt cằn cỗi, khắc khổ in hằn dấu vết những năm tháng vất vả, khó khăn cũng như gánh chịu nỗi đau tinh thần khi có đứa con trai duy nhất bị ảnh hưởng chất độc da cam, sống thực vật hơn 20 năm qua.

Chủ tịch UBND xã Sa Nghĩa - Nguyễn Văn Minh khen thật lòng: Chị Bốn giỏi lắm. Sinh được 2 cháu thì cháu gái đầu bình thường, cháu trai Huỳnh Hưng bị đa khuyết tật ngay khi sinh do ảnh hưởng chất độc da cam, sống thực vật cho đến nay. Suốt 20 năm qua, chị đã vượt qua bao khó khăn vừa chăm con vừa làm đủ việc mưu sinh. Nay cháu đầu đã có việc làm và lập gia đình, chị lại dành dụm làm được nhà mới, tự thân nỗ lực thoát khỏi hộ nghèo...

Và khi trò chuyện, tôi vẫn nhận ra được sự kiên trì, nhẫn nại và nghị lực vươn lên từ người phụ nữ bé nhỏ ấy. Dù không nói ra, nhưng tôi biết, chị đang vui, đang tự hào khi dẫn tôi đi tham quan ngôi nhà xây, lợp ngói khang trang, vững chãi nằm bên trục đường chính của thôn 3, xã Sa Nghĩa, nơi mà mới năm trước còn là căn nhà lợp tôn lụp xụp. Và đôi lúc, trên gương mặt cằn cỗi của chị anh ánh nụ cười hồn hậu.

Bây giờ thì anh A Lun (làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) đã không còn phải lo lắng mỗi mùa giáp hạt, bởi gia đình anh đã chính thức thoát nghèo, có nhà mới, lúc nào cũng còn lúa còn gạo trong nhà, chuyện mà cách đây vài ba năm, thật tình A Lun không dám nghĩ tới.

A Lun thật thà kể: Sau khi lấy vợ, mình vẫn ở chung với bố mẹ, vì gia đình đông con, bố mẹ không có đủ đất đai để chia. Thiếu đất sản xuất, thường ngày hai vợ chồng đi làm thuê. Năm 2014, xã đã vận động những gia đình có nhiều đất sản xuất sang nhượng bớt cho mình 3 sào nằm cạnh đường dẫn vào làng, vợ chồng mình quyết định dựng căn nhà tạm để ở riêng, phần đất còn lại thì trồng mì. Sau đó, được chính quyền địa phương vận động, mình vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua tôn lợp nhà, mua cây giống bời lời về trồng xen mì.

Ngồi nghe chuyện của A Lun, ngắm những hàng bời lời đang vươn lá xanh trên tán lá mì, tôi nhận thấy rất rõ một cuộc sống mới đang về với gia đình nhỏ.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng mì của nông dân xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Ảnh:H.L

 

Y Phúc - vợ A Lun ngồi bên cũng khoe: Mới đây, cán bộ xã đã tư vấn phát triển thêm nghề chăn nuôi heo, vừa có phân bón cho cây trồng, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình nên vợ chồng mình đang chuẩn bị làm chuồng và mua cặp heo giống về nuôi.

Ở làng Điệp Lốc (cùng xã Ya Tăng), tôi gặp vợ chồng A Le đi làm cỏ mì, chồng vác cuốc, vợ dắt bò. Gia đình trẻ này thì tôi biết, trước đây thuộc hộ nghèo, có 1,5ha đất chỉ toàn trồng mì, năm nào giỏi thu được 10 triệu đồng. Cuộc sống khó khăn, nhưng chẳng biết làm thêm gì để tăng thu nhập nên nghèo mãi. Cho đến năm 2011, được vay không lãi suất 10 triệu đồng, A Le mạnh dạn mua một con bò hết 5 triệu đồng, số tiền còn lại mua cây giống cao su, bời lời trồng xen trong rẫy mì lấy ngắn nuôi dài. Sau 3 năm, gia đình đã có 3 con bò, bắt đầu có thu nhập từ bời lời, A Le chính thức thoát nghèo.

Không chỉ chị Bốn, A Lun hay A Le vui thoát nghèo mà dọc đường đi, từ Sa Bình qua Sa Nghĩa, thị trấn Sa Thầy vòng qua Ya Xiêr, Ya Tăng nằm ven lòng hồ thủy điện Ya Ly cho đến xã biên giới Mô Rai xa nhất, đâu đâu tôi cũng được nghe những câu chuyện về nỗ lực vươn lên. Và từ những câu chuyện ghi chép được, tôi nhận ra rằng: người nghèo không còn e ngại, lo lắng mà sẵn lòng tham gia các mô hình giảm nghèo, bởi thực tế cho thấy, hầu hết hộ nghèo tham gia những mô hình này đã thoát nghèo bền vững. 

Điều đáng ghi nhận là xuất phát từ nguyện vọng của các hộ nghèo, huyện Sa Thầy đã có cơ chế, chính sách ưu tiên cho việc thực hiện các hình thức hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm đối tượng. Theo đó, đối với nhóm hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn từ các chính sách, dự án để phát triển sản xuất, kinh doanh; đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thực hiện hỗ trợ bằng vốn vay; đối với nhóm hộ nghèo thiếu đất sản xuất thì hỗ trợ khai hoang, phục hóa đất sản xuất, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, dạy nghề; đối với nhóm hộ nghèo có người ốm đau kinh niên, mất sức lao động thì vận động cộng đồng, doanh nghiệp giúp đỡ.

Riêng đối với nhóm hộ nghèo ỷ lại, chây lười lao động, chúng tôi phát huy tối đa vai trò của các đoàn thể trong việc vận động, giáo dục; phân công đảng viên có trách nhiệm, uy tín trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn để thay đổi nhận thức, tích cực lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân mình và gia đình- ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Sa Thầy cho biết.

Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện đầu năm, Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Ngọc Sâm vẫn thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, nhưng nhiệm vụ giảm nghèo trong những năm tới vẫn hết sức nặng nề. Hiện nay toàn huyện còn 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, gồm Sa Bình (58,32%), Ya Ly (51,12%), Ya Tăng (54,38%), Rờ Kơi (52,62%), Mô Rai (62,93%), Hơ Moong (71,14%).

Trong giai đoạn 2016-2020, huyện Sa Thầy phấn đấu giảm 30% hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 8,5% (983 hộ) xuống 4,37%... Vì vậy, chúng tôi tiếp tục xác định công tác giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận được các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo- Chủ tịch Nguyễn Ngọc Sâm khẳng định.

Hồng Lam

Chuyên mục khác