Sa Thầy: Nâng cao chất lượng đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo

11/11/2017 07:11

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, huyện Sa Thầy còn tập trung hỗ trợ người dân cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã mở ra hướng mới trong chăn nuôi, đem lại hiệu quả cao về kinh tế.

Từ năm 2016, UBND huyện Sa Thầy đã tập trung các nguồn lực, chương trình, đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, vận động người dân tại 11 xã, thị trấn, thực hiện phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 56 bò cái nền để nâng cao chất lượng đàn bò. Trong đó, năm 2017 thực hiện phối cho 29/86 con, đạt 33% kế hoạch.

Không chỉ vận động, tuyên truyền người dân tham gia thực hiện, để chương trình triển khai thực hiện thuận lợi, có hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức mở 8 lớp tập huấn với 199 lượt người tham gia về quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; tập huấn cho người dân cách nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái…  

Chị Võ Thị Quỳnh, thôn Nhơn Khánh, xã Sa Nhơn vui mừng khi bê lai được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo phát triển khỏe mạnh. Ảnh: H.T

 

Đặc biệt, các hộ dân tham gia đều được hỗ trợ tinh phối giống, hỗ trợ điều trị chăm sóc đối với bò cái nền, được tập huấn về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và phát hiện động dục ở bò cái sinh sản, được hỗ trợ tiền công chăm sóc khi thiến bò đực…

Gia đình chị Võ Thị Quỳnh, thôn Nhơn Khánh (xã Sa Nhơn) nuôi bò đã nhiều năm nay, nhưng chủ yếu cho bò phối giống tự nhiên. Sau khi được tuyên truyền, hiểu rõ về hiệu quả, gia đình chị đã quyết định áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái giống.

Bò cái nền nhà chị Quỳnh được phối tinh giống bò Brahman theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, sau một thời gian đã cho ra đời bê con to, khỏe mạnh. “Năm 2016, gia đình tôi là hộ đầu tiên ở huyện đăng kí tham gia phương pháp thụ tinh nhân tạo này. Lúc đầu cũng lo ngại, nhưng sau thời gian quan sát, thấy bò mang thai, phát triển bình thường, sinh bê con to, khỏe, linh hoạt, màu lông đẹp, chúng tôi rất phấn khởi. Sau lứa bê này, gia đình tiếp tục đăng ký cho bò cái nền thụ tinh nhân tạo” – chị Quỳnh phấn khởi.

Từ kết quả của nhà chị Quỳnh, nhiều hộ trong thôn, trong huyện đã bắt đầu thực hiện theo. Sau 2 năm triển khai, trên địa bàn huyện đã có 5 bê lai được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Qua theo dõi và đánh giá, 5 bê lai sinh ra đều khỏe mạnh, linh hoạt, màu lông đẹp; chất lượng bê lai sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo có trọng lượng cao hơn hẳn, đạt từ 23-25 kg/con, nặng hơn 7kg so với bê con sinh ra từ phương pháp thụ tinh truyền thống.

Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bê được sinh ra đạt khoảng 49,7kg, cao hơn so với phối tự nhiên 11kg (37,8kg); tăng trưởng/tháng đối với bê sinh ra từ giao phối tự nhiên chỉ đạt 7,11 kg/con, trong khi bê từ phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt 9,19 kg/con/tháng.

Đặc biệt, phương pháp thụ tinh nhân tạo còn giúp người dân giảm được chi phí nuôi và vận chuyển bò đực đến nơi phối giống, đồng thời khắc phục tình trạng chênh về tầm vóc khi phối giống, hạn chế đồng huyết và tăng tốc độ cải tạo giống bò; hạn chế lây lan dịch bệnh, không du nhập bệnh mới.

“Mặc dù có hiệu quả nhưng thụ tinh nhân tạo là phương pháp mới, kỹ thuật khó với người dân nên trong quá trình triển khai, nhiều hộ dân vẫn e ngại, chưa dám thực hiện” – bà Tạ Thị Diệu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy chia sẻ.

Hơn thế, vì chưa hiểu sâu, nhiều người cho rằng, khi phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bò dễ hư thai nên còn e ngại. Đặc biệt, đồng bào DTTS còn tập tục chăn thả rông đàn bò nên khi bò cái động dục không phát hiện được.

Một trong những khó khăn khác chính là mạng lưới kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò còn thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu; cán bộ thú y xã, dẫn tinh viên là những cán bộ bán chuyên trách nên nhiều lúc chưa sát sao với công việc.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bà Diệu cho biết, thời gian tới sẽ rà soát lại tổng đàn bò của điạ phương, tăng cường công tác tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp thôn, làng để người dân nắm bắt được chính sách hỗ trợ từ đó đăng kí tham gia.

“Không chỉ giúp người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, thụ tinh nhân tạo còn mở ra hướng đi mới trong phát triển đàn bò hàng hóa chất lượng cao của huyện. Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tuyên truyền, đề nghị các xã, thị trấn quan tâm, triển khai thiến hoặc bán ra khỏi địa phương giống bò đực không đủ tiêu chuẩn làm giống; có biện pháp quản lý những con bò đực giống lai. Đồng thời, hướng dẫn người dân trồng cỏ, hỗ trợ thức ăn cho bò trong lúc khan hiếm để thực hiện hiệu quả, cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo” - bà Diệu cho hay.

Bình An

Chuyên mục khác