Sa Thầy: Mỳ đã xanh trên đất lúa thiếu nước

28/02/2017 14:07

​98ha đất trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước vụ đông xuân đã được huyện Sa Thầy chuyển đổi sang trồng mỳ. Việc chuyển đổi này là một trong những giải pháp quan trọng ứng phó với tình hình hạn hán. Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên huyện vẫn còn nhiều băn khoăn...

Thành công bước đầu

Tại cánh đồng thôn Kleng (thị trấn Sa Thầy), thời điểm này người dân đang tất bật làm cỏ, xới đất, bón thêm phân cho các ruộng mỳ. Còn nhớ những năm trước, vào thời điểm này, cánh đồng trên có khi bà con phải ăn chực nằm chờ ngoài đồng để đưa nước vào ruộng, nhưng nhiều chân ruộng cao lúa vẫn đỏ úa, chết cháy vì thiếu nước. Nhưng năm nay, màu xanh sẫm của mỳ đã nổi bật giữa những chân ruộng lúa đang thì con gái nằm ở phía dưới thấp. Những chỗ cây mỳ bị chết, người dân cũng đã kịp trồng xen các cây bắp nếp xanh rì.

Chị Y Lưới (làng Kleng) cho biết: Nhà mình có hơn 2 sào ruộng thuộc diện thiếu nước tưới vào vụ đông xuân, năm nào may mắn thì đủ nước đến khi lúa vào mẩy, nhưng có năm lúa chưa trổ bông nước đã cạn kiệt và chết cháy; làm ruộng mà cứ như đánh bạc với trời ấy. Năm nay, thị trấn vận động mình chuyển đổi sang trồng mỳ, được Nhà nước hỗ trợ giống, một phần phân bón nên mình đồng thuận. Chưa biết kết quả thế nào nhưng trước mắt mình thấy đã tránh được hạn hán vụ này rồi vì nếu mình trồng lúa thì bây giờ cũng không đủ nước tưới, chắc chắn thất thu.

Dẫn chúng tôi thăm ruộng mỳ xanh mướt, cây cao ngang đầu gối trải rộng như một tấm thảm, anh Nguyễn Minh Hoàng phấn khởi khoe: Khu ruộng 6 sào này hàng năm tôi vẫn trồng lúa, nhưng khổ nỗi cứ đến cuối vụ là thiếu nước trầm trọng, năm nào nguồn nước tự nhiên dồi dào chảy vào ao nhiều thì tôi còn bơm lên tưới cầm cự được đến lúc lúa chắc hạt; nhưng vài năm lại đây, nguồn nước ít nên tôi không dám bơm vì nếu cứu lúa thì lại chết cá nên cây lúa không lên được, năng suất rất thấp, có khi mất trắng. Chẳng hạn như năm ngoài, tôi cấy lúa đến lúc làm đòng thì kiệt nước chết khô hết, vừa tiếc của, vừa tiếc công. Thế nên năm nay cán bộ xuống hướng dẫn trồng cây mỳ ngắn ngày, tôi làm liền. Lúc mới trồng tôi chịu khó tưới vài đợt nước, làm cỏ nên mỳ lên rất tốt, giờ đã kín đất thì hạn cỡ nào cũng không lo nữa.

Người dân làng Kleng đang tích cực làm cỏ cho diện tích mỳ trồng trên đất lúa thiếu nước. Ảnh: T.H

 

Toàn huyện Sa Thầy có 98ha đất trồng lúa thiếu nước tập trung tại các xã Hơ Moong, Ya Xiêr, Sa Bình, Sa Sơn, thị trấn Sa Thầy... đã được chuyển đổi sang trồng mỳ. Giống mỳ được trồng là KM 140 ngắn ngày, chỉ trồng trong 1 vụ, từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng  7- 8 tháng. Sau vụ mỳ, người dân lại đưa nước vào ruộng cấy vụ lúa mùa.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trước mắt đã tránh được vụ hạn hán năm nay bởi đây là những diện tích thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô và nguồn nước tự nhiên nên trồng lúa rất bấp bênh, năng suất đạt thấp. Đặc biệt, có những diện tích ruộng người dân chỉ cấy lúa một vụ, vụ này bỏ hoang thì hiện nay cũng đã được phủ xanh bởi cây mỳ.

Vẫn còn những băn khoăn

Nhìn những ruộng mỳ xanh mướt trên những thửa ruộng đất trắng mới thấy rằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với hạn hán là thiết thực. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Sa Thầy thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước nên huyện vẫn còn nhiều băn khoăn.

Chị Tạ Thị Diệu – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Đây là cây trồng cũ nhưng được trồng trên loại đất mới, canh tác theo phương pháp mới. Việc canh tác giống mỳ ngắn ngày trên đất lúa này đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, thời gian từ khi xuống giống đến chăm sóc thì mới đảm bảo cho sự phát triển của cây. Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số đây là một việc khá mới mẻ nên nhiều gia đình chưa thực hiện đúng kỹ thuật, vì vậy ở nhiều nơi cây mỳ phát triển chưa như mong muốn. Mặt khác năm nay, thời tiết đợt vừa qua diễn biến khá thất thường, mưa muộn, lạnh dài nên thời điểm xuống giống cũng bị muộn lại và làm chậm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mỳ.

Hiện nay, nhiều diện tích cây mỳ còn nhỏ nên cần có nước tưới bổ sung. Tuy nhiên, các kênh mương nội đồng ở những khu vực này đều đã thiếu nước, vì vậy nước để tưới cho cây mỳ gặp nhiều khó khăn.

Với người dân, không ít hộ vẫn còn nghi ngờ về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này. Vả lại, những diện tích chuyển đổi sang trồng mỳ đều nhỏ lẻ, manh mún nên các hộ dân cũng không dành nhiều thời gian, công sức để chăm sóc. Bên cạnh đó, thời gian này, giá mỳ trên thị trường đang xuống rất thấp, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn càng khiến cho người nông dân có tư tưởng chán nản, không thiết tha với cây mỳ.

Vụ mỳ đầu tiên được trồng trên đất lúa thiếu nước của huyện Sa Thầy mới chỉ bắt đầu nên chưa thể có một đánh giá chính xác nào về hiệu quả mà nó mang lại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trên thực tế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này bước đầu đã góp phần giải quyết được bài toán thiếu nước tưới trong sản xuất.

Thiên Hương 

Chuyên mục khác