Sa Thầy: Giữ vững lợi thế cây cao su trong giảm nghèo bền vững

23/05/2019 06:26

Trước tình hình giá mủ cao su tụt dốc, để tiếp tục giữ vững diện tích cao su tiểu điền, huyện Sa Thầy đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hộ dân nâng cao năng suất, sản lượng vườn cây gắn với chính sách kêu gọi hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản…

Vừa bón phân cho diện tích cao su của gia đình để chuẩn bị bước vào mùa khai thác mới, ông A Lưới ở làng Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) vừa nói: Mấy năm nay, giá mủ cao su xuống thấp, một số hộ trong làng phá bỏ vườn cây, tôi thấy tiếc lắm. Vì để trồng được 1ha cao su phải đầu tư rất nhiều tiền, công sức, hơn nữa phải mất 6, 7 năm mới thu được thành quả. Vì vậy, gia đình tôi quyết giữ nguyên vườn cây với diện tích gần 4ha. Cũng nhờ vườn cây này mà cả gia đình tôi (gồm 6 thành viên) trước đây đã thoát cảnh nghèo khó, xây dựng nhà ở khang trang và mua sắm tiện nghi phục vụ đời sống và sản xuất. Xác định cây cao su có thế mạnh, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất nên hiện nay gia đình tôi đang tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất, sản lượng mủ…

Vườn cao su của gia đình ông A Lưới. Ảnh: HL

 

Cũng thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá nhờ cây cao su, ông A Thiuh ở làng Khúc Na (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) chia sẻ: Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ trồng 2ha cao su theo Đề án phát triển cây cao su tiểu điền. 4 năm nay, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định từ loại cây trồng này. Vào mùa khai thác, bình quân mỗi ngày thu nhập từ 500-800 ngàn đồng. Nhà nước đã đầu tư hỗ trợ thì mình phải tin tưởng, yên tâm giữ vững diện tích cây trồng, cứ chạy theo giá cả thị trường thì kinh tế không bền vững được.

Thông qua các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình, dự án của UBND tỉnh và huyện Sa Thầy về hỗ trợ phát triển sản xuất, hàng ngàn hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để trồng cao su. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được hơn 6.000ha cao su tiểu điền, trong đó có hơn 2.000ha được hỗ trợ thông qua nguồn ngân sách của Nhà nước với trên 2.500 hộ được hưởng lợi. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định đã giúp cho hàng ngàn hộ thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khá, giàu. Bình quân mỗi năm có từ 300 đến 500 hộ thoát nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo của địa phương.

Để phát triển cây cao su lâu dài và bền vững, nhất là phát huy hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước về phát triển cây cao su tiểu điền trên địa bàn, trong đó có Đề án cao su tiểu điền của UBND tỉnh, từ năm 2012 đến nay, từ nguồn ngân sách huyện, Sa Thầy đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 400 lượt hộ dân tham gia dự án có điều kiện chăm sóc cao su; đồng thời mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có nghề cạo mủ cao su để giúp các hộ dân nâng cao trình độ sản xuất.

Để duy trì và phát triển cây cao su tiểu điền, huyện Sa Thầy đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh công tác kêu gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thu mua, sơ chế mủ cao su. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 2 nhà máy thu mua, sơ chế mủ cao su hoạt động và hàng trăm tiểu thương tổ chức thu mua nhỏ lẻ tại các xã, thị trấn, giúp người nông dân thuận lợi trong quá trình tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần giữ vững lợi thế của cây cao su trong giảm nghèo bền vững.

                             Hoàng Lan

Chuyên mục khác