Sa thầy: Đột phá trong phát triển nông nghiệp

29/07/2019 13:05

Thực hiện chương trình hành động triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh, huyện Sa Thầy chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm làm thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU của huyện Sa Thầy, ngay từ đầu năm, UBND huyện xác định những việc cần làm và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện; qua đó, nêu cao ý thức, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và hưởng ứng của nhân dân trên địa bàn.

Trước hết, Sa Thầy tập trung duy trì ổn định diện tích 12.000ha cao su. Mặc dù, mấy năm trở lại đây, cây cao su không còn ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng thực tế đây vẫn là loại cây cho thu nhập ổn định, giúp người dân thoát nghèo nên các cấp, các ngành của huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không phá bỏ, chú trọng chăm sóc, khai thác có hiệu quả diện tích hiện có. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích người dân phát triển cây cà phê giống mới chất lượng cao; dự kiến đến năm 2020, toàn huyện sẽ có khoảng 3.000ha cà phê giống mới. Nhiều địa phương trên địa bàn huyện, người dân còn đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả, chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê như mít Thái, sầu riêng, bơ…

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, huyện Sa Thầy chú trọng định hướng, hỗ trợ cho các hợp tác xã, người dân gắn mở rộng diện tích với việc đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như tưới tiết kiệm, chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; tích cực thực hiện xây dựng chuỗi liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của người dân, doanh nghiệp…

Tiêu biểu cho hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với quy mô sản xuất lớn, tạo nên mối liên kết trong sản xuất là Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Mô Rai), Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại (xã Sa Nghĩa), Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Đăk Wớt Jốp (xã Hơ Moong). Đến nay, 3 hợp tác xã này đã gặt hái được những thành công ban đầu trong việc xây dựng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, cây ăn trái, cây cà phê…

Làm nông nghiệp theo hướng hiện đại từng bước được người dân chú trọng. Ảnh: TH

 

Thời gian gần đây, huyện Sa Thầy còn đẩy mạnh phát triển các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn như đinh lăng, sa nhân tím, nghệ. Đến nay, toàn huyện đã triển khai được 30ha cây đinh lăng, tập trung chủ yếu xã Hơ Moong; 35ha sa nhân tím trồng dưới tán rừng tại xã Sa Sơn. Một số hộ dân trên địa bàn huyện cũng đã tự phát triển được khoảng 10ha nghệ.

Phát triển dược liệu là hướng đi đầy triển vọng nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của huyện và phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay. Huyện Sa Thầy tích cực kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân, đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu và hình thành các cơ sở thu mua, bảo quản dược liệu. Hiện, đã có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thái An Bình Định, Liên hiệp HTX Nông công nghiệp xanh Kon Tum thực hiện liên kết cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân và đã tính tới việc đầu tư xây dựng cơ sở chế biến trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, huyện Sa Thầy đẩy mạnh rà soát, đánh giá, quy hoạch quỹ đất và tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, có khoảng 10 nhà đầu tư tiến hành khảo sát để đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn với tổng số vốn đầu tư dự kiến 400- 500 tỷ đồng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc là Công ty TNHH MTV Tài Lộc, Công ty TNHH Ngọc Thiên Phú Kon Tum; 2 doanh nghiệp xin xây dựng nhà máy phân vi sinh và chăn nuôi heo tập trung là Công ty TNHH ĐTPT sản xuất An Phú, Công ty TNHH ĐTPT Đại Thiên Phú và 1 doanh nghiệp đang khảo sát để trồng cây ăn quả tại xã Mô Rai là Tập đoàn FLC. Việc các doanh nghiệp tham gia đầu tư làm nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi phát triển, tạo ra diện mạo mới của ngành nông nghiệp và tăng nguồn thu cho huyện.

Tập trung thực hiện đột phá trong nông nghiệp để xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn là một trong hướng đi được huyện Sa Thầy lựa chọn nhằm tạo nên bứt phá về phát triển kinh tế- xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Thiên Hương

 

Chuyên mục khác