Sa Thầy đẩy mạnh Chương trình OCOP

07/09/2020 13:01

Thời gian qua, các cấp, các ngành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Sa Thầy đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP.

Sa Thầy là địa phương có lợi thế về du lịch sinh thái, sản phẩm nông nghiệp như cây ăn quả, cây dược liệu, lâm sản phụ, thủy sản nước ngọt…Tuy nhiên, việc khai thác những lợi thế này để phát triển thành các sản phẩm OCOP của huyện vẫn còn gặp một số khó khăn. Bởi, người sản xuất trên địa bàn lâu nay chỉ quen tạo ra các sản phẩm thô rồi bán cho thương lái, chưa có nhiều kiến thức về chiến lược sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm đạt theo tiêu chuẩn OCOP. 

Bà Tạ Thị Diệu - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Khi triển khai Chương trình OCOP, Phòng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân biết để tham gia và phát triển các ý tưởng sản phẩm. Ngoài ra, từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn triển khai Chương trình OCOP cho các chủ thể, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và cán bộ phụ trách thực hiện Chương trình trên địa bàn; đồng thời, cử lãnh đạo UBND các cấp và các chủ thể tham gia các lớp tập huấn triển khai Chương trình OCOP của tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

“Sắp tới huyện sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đối với 16 sản phẩm của 9 cơ sở sản xuất và hợp tác xã tại 10/11 xã, thị trấn đăng ký tham gia” - bà Diệu chia sẻ.

Dòng sản phẩm mới Măng khô SangDup của Công ty TNHH Licoty. Ảnh: Đ.T

 

Ông Trần Quốc Tuấn, đại diện Công ty TNHH Licoty có trụ sở tại thị trấn Sa Thầy là chủ thể sản phẩm dịch vụ du lịch- truyền thống - lễ hội (du lịch trải nghiệm VQG Chư Mom Ray) đạt hạng 3 sao của tỉnh trong năm 2019 chia sẻ: Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã đạt hạng 3 sao của tỉnh, thì đơn vị sẽ mở rộng thêm nhiều tour tham quan, tăng thêm trải nghiệm cho khách du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa của người Gia Rai tại địa bàn. Ngoài ra, năm nay, công ty đang tập trung phát triển thêm các dòng sản phẩm như: Sâm cau Chư Mom Ray, Chuối mồ côi, Cá khô Sê San và đặc biệt là sản phẩm Măng khô SangDup để tham gia đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Sa Thầy trong thời gian sắp tới.

“Tất cả những dòng sản phẩm mới này đều được sản xuất từ những nguyên liệu mà người dân bản địa thu hoạch và đánh bắt được từ lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện. Công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, đóng gói bao bì, tiến hành bán ra thị trường…”, ông Tuấn nói.

Còn với Hợp tác xã Đoàn Kết có trụ sở tại xã Mô Rai, năm nay là năm đầu tiên Hợp tác xã tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện với dòng sản phẩm Trái cây sấy dẻo. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Trường - thành viên Hợp tác xã cho hay, Hợp tác xã hiện nay có 2 khu vườn trồng chuyên canh cây ăn quả gồm khu vườn 6ha với các loại cây: bưởi da xanh, cam sành, ổi Đài Loan, mít Thái bắt đầu trồng từ năm 2015 và khu vườn 10ha với các loại cây: chôm chôm Thái, sầu riêng Mothong, sầu riêng Musang King bắt đầu trồng từ năm 2018.

Cũng theo ông Trường, khu vườn 6ha đã cho thu hoạch được 2 năm nay. Để nâng cao giá trị trái cây thu hoạch được, HTX đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến và đóng gói bao bì để tạo ra dòng sản phẩm trái cây sấy dẻo mang thương hiệu của vùng đất Mô Rai.

“Hiện nay, Hợp tác xã đã có đối tác phân phối, thị trường tiêu thụ và đang chuẩn bị sản xuất đại trà dòng sản phẩm này”- ông Trường nói.

Bà Tạ Thị Diệu cho biết, trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất và hợp tác xã trên địa bàn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để tham gia đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện, phấn đấu đến cuối năm nay có từ 2-3 sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh lần thứ 2.      

Đức Thành

Chuyên mục khác