16/05/2024 13:39
Để triển khai thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn có hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, tạo điều kiện cho người dân nâng cao kiến thức và trải nghiệm. Khi bắt tay vào thực tế, người dân tiếp tục được cán bộ chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật, theo dõi đánh giá trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của mô hình.
Nhằm giúp người dân sớm tiếp cận với các loại giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Sa Thầy chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai nhiều mô hình trình diễn, khuyến nông hiệu quả để nhân rộng.
|
Chỉ tính riêng trong năm 2023, gắn với đề án cải tạo vườn tạp, huyện Sa Thầy triển khai 5 mô hình trình diễn trồng các loại cây ăn trái, cây trồng chủ lực cho năng suất cao đã giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất và hiệu quả cao.
Với lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản trên vùng nước bán ngập của lòng hồ thủy điện Ya Ly và lòng hồ thủy điện Plei Krông (với diện tích gần 100ha), huyện Sa Thầy triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy nghề nuôi thủy sản, đa dạng hóa các đối tượng nuôi mới để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong năm 2023, huyện Sa Thầy triển khai mô hình trình diễn nuôi cá lồng với quy mô 6 lồng/3 hộ gồm cá lăng nha, cá diêu hồng, cá thát lát. Thông qua thí điểm, huyện chỉ đạo chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển và nhân rộng thêm khoảng 30 lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện đã cho năng suất cao và đáp ứng nhu cầu thị trường với sản lượng khoảng 400 tấn/năm.
Ông Đinh Trọng Lịch- Chủ tịch UBND xã Ya Ly cho biết, thực hiện đề án cải tạo vườn tạp, các chương trình mục tiêu quốc gia, xã Ya Ly hỗ trợ giống, kỹ thuật, vận động bà con bỏ công sức, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, phân bón để phát triển hiệu quả các loại cây ăn trái thế mạnh tại địa phương; phát triển mạnh chăn nuôi bò cái sinh sản, heo địa phương; tận dụng lợi thế lòng hồ thủy điện Ya Ly để phát triển du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản.
“Trong năm 2023, thực hiện đề án cải tạo vườn tạp và mô hình sầu riêng VietGap, toàn xã có 37 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp nhân rộng cho các hộ khác. Từ việc thực hiện các mô hình đã giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện tại xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023, có thu nhập bình quân đầu người hơn 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,86%”- ông Đinh Trọng Lịch cho biết thêm.
|
Anh A Khứu (làng Chứ, xã Ya Ly) là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ cây bời lời kém năng suất sang trồng sầu riêng để nâng cao thu nhập.
Đứng bên vườn sầu riêng trĩu quả sắp cho thu bói, anh A Khứu phấn khởi bộc bạch: Trước đây, tôi đầu tư trồng bời lời được 10 năm, nhưng năng suất không cao. Qua tìm hiểu và được sự vận động từ chính quyền xã Ya Ly, năm 2020 tôi mạnh dạn phá bỏ cây bời lời, trồng thử nghiệm 40 cây sầu riêng và đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Đến nay mô hình sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt, sắp cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch lứa đầu, tôi sẽ tính toán lại năng suất, hiệu quả để tiếp tục mở rộng sản xuất, cải tạo vườn tạp, trồng thêm các loại cây trồng có năng suất cao.
Toàn huyện Sa Thầy hiện có trên 9.100ha cây trồng hàng năm và trên 18.000ha cây trồng lâu năm; tổng đàn gia súc trên 25.000 con; tổng diện tích nuôi thủy sản khoảng 86ha. Trong đó, huyện đang là vùng trọng điểm, có thế mạnh phát triển cây ăn trái với một số loại cây chủ lực như sầu riêng, bơ, mít, chuối, chanh dây... với tổng diện tích trên 1.500ha; đã được cấp 2 mã số vùng trồng cho cây sầu riêng với diện tích trên 30ha.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, thời gian tới, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tiếp tục tận dụng tiềm năng, thế mạnh để phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc biệt là cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ. Đồng thời, tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên và quy hoạch của địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Sa Thầy phát triển được trên 2.000ha cây ăn quả và một số cây trồng chủ lực, trở thành một trong những vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của tỉnh.
Hoàng Thanh