Sa Thầy chủ động phòng, chống thiên tai

22/08/2020 06:01

Để chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, mưa bão gây ra, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, các công trình của Nhà nước, từ đầu tháng 6, các địa phương của huyện Sa Thầy đã triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020.

Trong những năm qua, mỗi khi bước vào mùa mưa bão, xã Sa Nhơn là địa phương thường hứng chịu những trận mưa lớn, mưa đá, dông sét và gió lốc mạnh trên diện rộng, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, tính mạng của người dân và gây nên nguy cơ mất an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội trên địa bàn.

Ông Lại Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Nhơn cho biết, từ đầu mùa mưa, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN xã Sa Nhơn đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án ứng phó bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất và xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập nước.

Tỉnh lộ 674 đi xã Mô Rai là tuyến đường hay xảy ra sạt lở đất mỗi khi có mưa lớn kéo dài. Ảnh: Đ.T

 

Cụ thể, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN xã tổ chức cắm biển cảnh báo và thường xuyên kiểm tra việc đảm bảo an toàn tại 2 hồ chứa nước của nhà máy chế biến tinh bột mì và nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn, khu vực dọc suối Đăk Sia, rừng trồng nguyên liệu giấy, khu vực dân cư nằm trong vùng trũng ở thôn Nhơn Khánh và thôn Nhơn Nghĩa; vận động nhân dân phát quang, nạo vét, khơi thông hệ thống tiêu thoát nước, cống tại các tuyến đường; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà ở…

“Để công tác ứng phó với thiên tai được triển khai hiệu quả, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư và nhu yếu phẩm tại chỗ, xã còn vận động nhân dân trên địa bàn giúp đỡ lẫn nhau trong việc tiếp nhận người sơ tán, di dời tài sản và khắc phục hậu quả”, ông Huy chia sẻ.

Thị trấn Sa Thầy cũng là địa bàn thường xảy ra hiện tượng ngập úng, lũ quét và sạt lở đất mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực cầu tràn làng Lung (giáp ranh với xã Ya Xiêr) và dọc suối Đăk Sia (từ làng Kđừ đến làng Kleng).

Ông Bùi Quốc Tưởng - Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy cho hay, nhằm chủ động ứng phó với mưa bão, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN thị trấn Sa Thầy đã triển khai xây dựng phương án sẵn sàng ứng cứu, di dời các hộ dân ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tập trung tiêu úng nhanh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập úng gây ra đối với các diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn…

Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN xã Sa Nhơn kiểm tra khu vực suối Đăk Sia. Ảnh: ĐT

 

Không chỉ riêng xã Sa Nhơn và thị trấn Sa Thầy mà trên địa bàn huyện Sa Thầy, mỗi khi vào mùa mưa còn có nhiều khu vực xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất ở các xã khác như: cống qua đường dẫn vào thôn Khúc Na, khu dân cư dưới thượng lưu đập Đăk Prông (xã Sa Bình); khu dân cư dưới thượng lưu đập Nước Ngót, Rừng Dầu (xã Sa Nghĩa); khu dân cư dưới thượng lưu đập Đăk Sia 1 (xã Rờ Kơi); cổng qua đường làng Kà Bầy, Tỉnh lộ 675 (xã Hơ Moong); khu làng Rẽ, Tỉnh lộ 674 (xã Mô Rai)…

Bên cạnh việc chuẩn bị phương án phòng, chống thiên tai cụ thể, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Sa Thầy còn đặt ra các tình huống giả định và biện pháp xử lý khi xảy ra thiên tai tại các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, khu vực dân cư tại các khu vực xung yếu đã xác định; tiến hành tu bổ, sửa chữa nâng cấp một số hồ chứa, đập thủy lợi; xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống; xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu để cung ứng cho nhân dân khi có bão, lũ.

Với việc chủ động lên phương án, triển khai nhiều giải pháp tích cực cùng tinh thần không chủ quan, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, huyện Sa Thầy quyết tâm sẽ hạn chế thấp nhấp thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2020, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.        

Đức Thành

Chuyên mục khác