Sa Thầy: Chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng

26/03/2021 13:06

Chủ động chuyển đổi diện tích cây trồng thường xuyên thiếu nước sang các loại cây trồng khác; tăng cường áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm gắn với đầu tư hỗ trợ lắp đặt máy bơm nước, đó là những giải pháp hữu hiệu được huyện Sa Thầy thực hiện để ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước xảy ra liên tục, lượng nước ngày càng sụt giảm hiện nay.

Tranh thủ thời gian buổi sáng sớm, ông A Gíu, làng Chờ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy khởi động hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm cho hơn 50 cây sầu riêng và gần 20 cây ăn trái như mít Thái, xoài, chôm chôm. Nhờ chăm sóc tốt và cung cấp đủ nước, các loại cây trồng của gia đình ông phát triển tốt.

Chia sẻ với chúng tôi, ông A Gíu cho biết: Năm nay vợ chồng tôi đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe đã yếu, nếu phải kéo ống tưới như những năm trước thì phải mất một ngày mới hoàn thành việc tưới nước cho diện tích cây ăn quả của gia đình, vừa vất vả mà nước lại không đủ. Nhờ được tham quan mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn, gia đình tôi quyết định đầu tư 10 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Toàn hệ thống được lắp đặt dưới lòng đất và dẫn qua các gốc cây, mỗi gốc cây được thiết kế một van phun nước tự động. Chỉ mất vài phút điều chỉnh các van chính, nguồn nước sẽ được đưa đến từng khu vực.

Những ngày tháng 3, thời tiết nóng như đổ lửa, không còn phải chật vật kéo ống nước tưới cho 1,4 ha cây ăn quả trồng xen cà phê như cách đây 2 năm, ông Lê Nguyên Lộc ở thôn 1, xã Sa Sơn nhàn nhã hơn hẳn. Theo ông, trước kia chưa áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm này, diện tích cà phê của gia đình thường xuyên thiếu nước tưới. Vì diện tích cây trồng của gia đình ở xa nguồn nước, nếu áp dụng phương pháp tưới dí hay tưới truyền thống, vợ chồng ông phải mất 5 ngày và thuê thêm một nhân công lao động, rất tốn kém và vất vả. Từ năm 2020 đến nay, ông đầu tư 11 triệu đồng để tự lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm nên không phải lo lắng vấn đề thiếu nước khi mùa khô đến và có thể tiết kiệm được khoảng 1/3 lượng nước so với cách tưới truyền thống.

Hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm của gia đình ông A Gíu. Ảnh: M.T

 

Huyện Sa Thầy có gần 3.900 ha cây trồng vụ đông - xuân cần nguồn nước tưới; trong đó, có hơn 670 ha lúa nước, trên 100 ha cây rau màu; hơn 2.500 ha cà phê, 550 ha cây ăn quả. Dự kiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài sẽ có khoảng 30 ha lúa thiếu nước. Để chủ động phòng, chống hạn, huyện Sa Thầy chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện tốt việc quản lý, vận hành, khai thác 32 công trình thủy lợi và 9 hồ chứa. Đồng thời, bám sát phương châm điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên nguồn nước tưới cho các diện tích cây công nghiệp, nhất là cà phê. Hiện nay nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi trên địa bàn vẫn còn đáp ứng đủ cho diện tích cây trồng.

Đặc biệt, để giải quyết vấn đề nước tưới tại cánh đồng thôn 1, thôn 2 thị trấn Sa Thầy - khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, huyện chủ động lắp đặt máy bơm nước tại cầu Hòa Bình, xã Sa Nghĩa nhằm giải quyết khó khăn của người dân thôn 1, thôn 2 thị trấn Sa Thầy và xã Sa Nghĩa trong đảm bảo nguồn nước tưới cho 30 ha lúa nước. “Sau khi máy bơm được lắp đặt, vận hành, bà con nông dân chúng tôi rất phấn khởi, bởi trước đây năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3, tháng 4 là người dân lo lắng về tình trạng thiếu nước, thậm chí đã xảy ra tình trạng tranh giành nước tưới. Riêng gia đình tôi, với 2 sào ruộng lúa này, những năm trước phải bỏ ra gần 1 triệu đồng để chi phí cho việc chống hạn, năm nay thì bớt lo rồi” - ông Tôn Long Phước (thôn 2, thị trấn Sa Thầy) chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi ông Giả Tấn Đạt - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Để chủ động phòng, chống nắng hạn huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước sang trồng các loại cây khác… Từ năm 2016 đến nay, huyện Sa Thầy có hơn 150 ha lúa một vụ được chuyển đổi sang các loại cây trồng như bắp, mì, đậu, ớt… Bên cạnh đó, để khuyến khích hộ dân và các tổ chức đưa phương pháp tưới nước tiết kiệm vào sản xuất, huyện Sa Thầy thực hiện kế hoạch phát triển tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 50% diện tích cây trồng cạn chủ lực được tưới bằng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm nước thay thế phương pháp tưới truyền thống. Qua đó, nhằm tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, giảm chi phí quản lý vận hành công trình, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

Mạnh Thắng

Chuyên mục khác