Sa Thầy chủ động phòng chống hạn

05/03/2020 06:12

Mùa khô đang bước vào thời kỳ cao điểm, tình trạng hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất và đời sống đã xảy ra ở một số địa bàn của tỉnh; dự báo tình trạng này sẽ càng khốc liệt hơn trong thời gian tới. Trong đó, huyện Sa Thầy là một trong những địa bàn được dự báo sẽ xảy ra hạn hán nặng. Vì vậy, chính quyền huyện Sa Thầy chỉ đạo đơn vị chức năng và người dân trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp chống hạn hữu hiệu.

Vụ đông xuân 2019-2020, huyện Sa Thầy gieo trồng được hơn 666,5 ha lúa nước. Hiện, diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh , bà con nông dân đang tiến hành bón thúc đợt 1. Đây là thời điểm quan trọng trong khâu chăm sóc để bảo đảm cây lúa cho năng suất cao; nhất là nhu cầu về nước tưới, cần phải đủ nước thì cây lúa mới sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Giả Tấn Đạt - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sa Thầy cho biết: Qua rà soát trên địa bàn huyện Sa Thầy hiện chưa có diện tích cây trồng nào bị thiếu nước và cũng chưa có hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, dự báo đến cuối tháng 3/2020, diện tích cây trồng có khả năng bị hạn, thiếu nước khoảng 80 ha (chủ yếu là diện tích lúa) và có khoảng 280 giếng nước sinh hoạt của người dân có khả năng thiếu nước. Trong đó, khoảng 60 ha lúa có thể thiếu nước đều thuộc các hồ, đập thủy lợi do Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý; tập trung nhiều ở thị trấn Sa Thầy (khoảng 22ha) Sa Sơn (7ha); Ia Xiêr (5ha); Rờ Kơi (11ha); Hơ Moong (5ha) và Sa Nghĩa (10ha)… Diện tích cây trồng còn lại có khả năng thiếu nước tưới khoảng 20ha đều thuộc các công trình thủy lợi nhỏ do huyện quản lý.

Còn số giếng nước sinh hoạt có khả năng thiếu nước thuộc các xã Ya Ly (39 cái), Ya Xiêr (78 cái), Ya Tăng (26 cái), Sa Nghĩa (46 cái), Sa Bình (30 cái), Sa Nhơn (5 cái), Hơ Moong (66 cái), Mo Rai (40 cái), Rờ Kơi (18 cái)…

Nguồn nước được dự trữ tại đập dâng Đăk Sia 2 phục vụ chống hạn. Ảnh: VP

 

Trước tình hình trên, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Sa Thầy, Phòng NN&PTNT  đang chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống hạn. Bên cạnh đó, UBND huyện Sa Thầy cũng đã chỉ đạo Trạm Quản lý thủy nông, UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn như: Xây dựng lịch điều tiết nước hợp lý, thực hiện tưới luân phiên, tưới tiết  kiệm; tăng cường kiểm tra cống đầu mối, các kênh chính để chống rò rỉ, thất thoát nước.; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sửa chữa các kênh mương bị hư hỏng; khoanh vùng các diện tích có khả năng hạn nặng để lắp đặt các máy bơm dã chiến bơm chống hạn.

Bên cạnh đó, huyện Sa Thầy chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; tăng cường vật dụng để tích, dự trữ nước; vận động nhân dân chia sẻ nước giữa những hộ giếng có nước để đảm bảo nước phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong trường hợp thiếu nước trầm trọng thì sẽ bố trí các bồn chứa nước tại các khu có giếng khoan như trường học, nhà rông… để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Ông Giả Tấn Đạt cho biết, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, năm nay dự báo tình hình hạn hạn trên địa bàn sẽ không khốc liệt như năm 2016 nhưng chắc chắn sẽ xảy ra và gây thiệt hại không nhỏ, nếu chúng ta không chủ động phòng chống.Cho đến thời điểm hiện tại, chính sự chủ động điều tiết nguồn nước của đơn vị quản lý trên địa bàn huyện Sa Thầy không chỉ góp phần đảm bảo nước tưới cho cây trồng mà đến nay cũng chưa xuất hiện tình trạng thiếu nước. Theo Trạm Thủy nông huyện Sa Thầy, vào thời điểm này năm ngoái, đơn vị đã phải mở nước dự trữ tại đập Đăk Sia 2 để cấp nước tưới cho cây trồng thì năm nay vẫn chưa sử dụng.

Ông Trần Đình Xuân- Trạm phó Trạm Thủy nông Sa Thầy cho biết: Hiện đơn vị được giao quản lý 34 công trình, trong đó có 9 hồ chứa, 25 đập dâng có công suất tưới cho 60 ha cây trồng trên địa bàn huyện Sa Thầy. Nhờ thực hiện việc điều tiết hợp lý, luân phiên nên đến nay chưa có diện tích cây trồng bị thiếu nước. Nguồn nước dự trữ tại đập dâng, hồ chứa vẫn được đơn vị quản lý chặt chẽ sẵn sàng ứng phó khi cây trồng bị thiếu nước. Tuy nhiên, nước một số hồ chứa, đập dâng nhỏ đang dần cạn. Nếu từ giờ đến cuối tháng 3 không mưa thì chắc chắn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.

“Chúng tôi hiện đang dự trữ khoảng 1 triệu khối nước tại đập Đăk Sia 2 để tiếp nước cho diện tích khô hạn. Hồ chứa này chủ yếu phục vụ cho hơn 100 ha lúa của thị trấn Sa Thầy, Sa Nhơn và Sa Nghĩa. Để bảo đảm nguồn nước, thời gian qua, chúng tôi thực hiện điều tiết nguồn nước luân phiên, tránh lãng phí, thất thoát; vì vậy, người dân hãy biết cách sử dụng tiết kiệm nguồn nước để đảm bảo nước tưới cho cây trồng…”- ông Trần Đình Xuân cho hay.

Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện Sa Thầy, sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành chức năng và nhân dân trong công tác phòng chống hạn, mùa khô năm nay huyện Sa Thầy sẽ bảo đảm được nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn.

Văn Phương 

Chuyên mục khác