06/03/2024 06:09
Theo ông Hoàng Kim Điện- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy: Để chủ động trong công tác phòng, chống hạn đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2024, đồng thời, ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn vụ Đông Xuân 2023-2024 và vụ mùa 2024 trên địa bàn.
Trong đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng.
|
Đến nay, qua kiểm tra, trên địa bàn huyện chưa xảy ra hạn hán về sản xuất và thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết khô hạn thì nguy cơ xảy ra hạn hán là rất cao. Trong đó, dự báo sẽ xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở các xã Sa Bình, Sa Nghĩa, Ya Tăng. Còn đối với cây trồng, diện tích lúa nước có khả năng bị hạn trên địa bàn huyện khoảng 58ha; trong đó, ở thị trấn Sa Thầy khoảng 6,5ha, xã Sa Nghĩa 3,5ha, xã Sa Bình 4ha, xã Sa Sơn 8ha, xã Sa Nhơn 9ha, xã Ya Tăng 5ha, xã Hơ Moong 3,5, xã Ya Xiêr 4ha, xã Ya Ly 4,5ha, xã Mô Rai 4 ha, xã Rờ Kơi 6ha.
Cũng theo ông Điện, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nước cho nhau giữa các hộ khi xảy ra hạn hán. Khuyến cáo nhân dân thường xuyên nạo vét, khơi thông đáy giếng để chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Đối với các công trình nước tự chảy, tăng cường vệ sinh đầu nguồn, kiểm tra hệ thống đường ống, thau rửa các bể (lắng, lọc, chứa), điều chỉnh nguồn nước phù hợp với từng thời điểm khô hạn hợp lý, chú ý các bể chứa ở các vị trí cao.
Thực tế tại xã Sa Bình, một trong những xã có nhiều nguy cơ xảy ra thiếu nước và hạn hán. Tại đây, quan sát thấy mực nước trên sông Pô Kô xuống khá thấp. Lòng sông trơ đáy và nắng nóng kéo dài nên nguy cơ thiếu nước xảy ra là rất cao. Một số diện tích cây trồng cà phê của người dân cho thấy tình trạng thiếu nước, bắt đầu khô, héo, vàng lá. Người trồng cà phê cũng đang tích cực dùng máy bơm bơm nước từ sông lên chống hạn cho cây trồng.
|
Anh A Xoan (xã Sa Bình) cho biết, nhà anh có 3 sào cà phê. Do nắng nóng kéo dài, nên anh đã phải tiến hành tưới lần thứ 3 rồi. “Khô lắm, cây cà phê cứ héo dần vì thiếu nước, nên mình phải cố gắng tưới chống hạn cho cây. Rất may là rẫy nhà mình gần sông Pô Kô nên nguồn nước ổn định. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, nên mình phải tưới nhiều hơn những vụ trước để cho cây sinh trưởng và phát triển”- A Xoan cho hay.
Ông Dương Quang Phục- Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Để đảm bảo duy trì sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa nước vụ Đông Xuân 2023 - 2024 thường xuyên bị khô hạn, không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng các loại cây trồng khác phù hợp để tránh bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động phối hợp với Trạm Quản lý thủy nông huyện và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra nguồn nước của các công trình thủy lợi để có biện pháp xây dựng phương án điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn nước từ các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn. Thực hiện các giải pháp chủ động tích nước ở các đập, hồ chứa; tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể đến từng công trình, dự báo khả năng cấp nước, thiếu nước của từng công trình ứng với giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng loại cây trồng để có kế hoạch điều tiết nước, cấp nước và bố trí lịch thời vụ hợp lý tránh thiệt hại về cây trồng do hạn hán.
Cũng theo ông Phục, huyện cũng đã chủ động, dự trù kinh phí, triển khai các biện pháp, phương án khắc phục khi xảy ra hạn hán đối với cây trồng và thiếu nước sinh hoạt, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Hà Nam