08/12/2016 09:09
Trên con đường huyết mạch nối thị trấn Sa Thầy với các xã Ia Xiêr, Ya Tăng đầy ổ gà vắng vẻ, thỉnh thoảng mới thấy vài chiếc xe máy chở hàng vào các làng phía trong chạy vù qua, anh bạn đồng nghiệp cứ lẩm bẩm: bất ngờ quá. Tôi hiểu vì sao anh lại như vậy.
Còn nhớ trong chuyến công tác vào Ia Xiêr, Ya Tăng hồi tháng 6/2015, cũng trên tuyến đường này, chúng tôi tận mắt chứng kiến những xe máy độ chế chở 1-2 hộp gỗ xẻ vuông vắn chạy bạt mạng trên đường. Ghé vào quán nước ở ngã ba Đông Hưng (xã Ia Xiêr, giáp với xã Ya Tăng) mua gói thuốc và hỏi dò thì bà chủ quán nói chẳng úp mở gì: Chuyện bình thường mà chú. Ngày nào họ chẳng chở như vậy, khi thì buổi trưa, lúc thì buổi tối, cứ cả chục xe một lần ấy chứ...
Vào đến Ya Tăng, chúng tôi quyết định dạo một vòng trước khi vào đăng ký làm việc với chính quyền xã. Cứ nghe bà con nói trước xem sao. Xuống làng Lút, hầu như nhà nào cũng đóng cửa, tìm mãi mới thấy một nhà có ông già lúi húi phía trước. Hỏi chuyện thì ông nói tên là A Hlơn, năm nay 66 tuổi, do sức yếu nên không đi rừng được, trong làng đàn ông, trai tráng đi vào rừng hết rồi.
Thấy chúng tôi có vẻ “giật mình”, ông vội giải thích: Không phải đi kiếm gỗ đâu, mà đi bảo vệ rừng nhận khoán đấy. Cả làng đều nhận khoán bảo vệ rừng, nhà già cũng nhận 26ha rừng ở tiểu khu 641, giáp thủy điện Ia Ly. Từ khi chính quyền xã, kiểm lâm vận động, tuyên truyền, rồi chốt chặn, lập biên bản xử phạt mấy người vi phạm, trong làng không còn ai đi cưa gỗ trên rừng nữa, mấy cái xe máy độ chế cũng bán cả.
Đem chuyện này kể lại với Chủ tịch xã Rơ Mah Nhơn, anh cười khà khà: Ngạc nhiên à? Đấy nhé, có nhà báo làm chứng, không thì lại nói xã báo cáo “láo”. Tất nhiên là chưa thể triệt để ngay được, thỉnh thoảng vẫn còn một vài gia đình cần gỗ làm nhà (xẻ xà gồ chẳng hạn) nên lén lút vào rừng hạ trộm một cây, nhưng tôi dám chắc là tình hình đã giảm đến 95% chứ không còn như trước nữa.
Giọng Rơ Mah Nhơn trầm xuống: Ya Tăng chỉ có 3 thôn, làng với 377 hộ (1.495 nhân khẩu) nhưng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên tới 16.659ha. Địa bàn xã lại phức tạp thuộc loại nhất nhì huyện, giáp ranh với huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) và Chư Pảh (Gia Lai), có đường bộ, đường thủy (sông Sê San và lòng hồ thủy điện Ia Ly) nên công tác quản lý bảo vệ rừng khó khăn lắm, nhất là ngăn chặn nạn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
|
Ở Ya Tăng từng xảy ra việc lực lượng của xã bắt một số xe máy chở gỗ, lâm tặc kéo nhau bao vây, hành hung, truy đuổi đến tận trụ sở UBND xã mới thôi. Nhắc lại chuyện cũ để thấy cuộc chiến bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở Ya Tăng cũng cam go lắm.
Trước tình trạng này, đầu năm 2015, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã tăng cường lực lượng triển khai Kế hoạch số 23/KH-CCKL về tuần tra, truy quét vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại xã Ya Tăng, khu vực Sê San 3, (huyện Sa Thầy) và xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai).
Anh Lê Văn Thoan- Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy nhớ lại: Chúng tôi xác định để giải quyết “điểm nóng” này phải tiến hành “3 mũi giáp công” là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra truy quét và tổ chức các tổ công tác lưu động kết hợp các chốt chặn trên các ngả đường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định cụ thể các khu vực thường xảy ra phát rừng làm nương rẫy và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép để có giải pháp xử lý phù hợp.
Tháng 9/2015, thêm một lực lượng nữa tham gia giải quyết “điểm nóng” Ya Tăng: Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 3. Đội phó Nguyễn Tấn Phát cho biết: Được giao phụ trách địa bàn, Đội đã tích cực tuần tra, truy quét, ngăn chặn tình hình khai thác, vận chuyển, cất giấu, mua bán lâm sản, phá rừng trái phép tại khu vực xã Ya Tăng, khu vực trên tuyến tỉnh lộ từ Sê San 3 về thị trấn Sa Thầy. Chỉ tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2015, đã phát hiện 10 vụ vi phạm, tịch thu hơn 16m3 gỗ các loại, 8 xe gắn máy độ chế, 1 xe độ chế; số vụ vi phạm giảm 47,4% so với đầu năm.
|
Tháng 10/2015, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục thành lập Tổ công tác thường trực làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn xã Ya Tăng. UBND xã cũng thành lập Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của công an, dân quân, kiểm lâm địa bàn thực hiện thường xuyên các đợt tuần tra, truy quét, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời hàng chục nhóm đối tượng sử dụng xe gắn máy độ chế vận chuyển lâm sản trái pháp luật; ngăn chặn kịp thời các vụ xâm canh, phá rừng làm nương rẫy trái phép...
Với sự vào cuộc đầy quyết tâm và mạnh mẽ của các cấp, các ngành, rừng Ya Tăng đã yên tĩnh. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã không xảy ra vụ phát rừng làm nương rẫy nào; chỉ phát hiện 8 vụ vi phạm với 26,252m3 gỗ (1 vụ vận chuyển bằng xe máy 0,145m3, 7 vụ cất giữ 26,107m3), giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm 2015.
Trên đường trở ra thị trấn Sa Thầy, chúng tôi gặp A Trọng (kiểm lâm viên địa bàn) đang cùng cán bộ lâm nghiệp xã và một nhóm dân quân đi tuần tra ven bờ hồ hủy điện Ia Ly. Và tôi hiểu, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Ya Tăng vẫn chưa hề bị xao nhãng, dù bây giờ đã không còn là “điểm nóng”.
Thành Hưng