Rừng tạo sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân

12/12/2023 13:02

Thông qua nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả hằng năm, các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng, chi tiêu đúng mục đích, nhờ đó, nâng cao đời sống và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng được triển khai hiệu quả.

Xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) hiện có 48 hộ dân tham gia quản lý, bảo vệ 404,3ha rừng tự nhiên do Nhà nước giao. Hằng năm, thông qua việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng, các hộ dân được nhận trung bình hơn 8 triệu đồng/hộ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này đã giúp các hộ dân trang trải cuộc sống gia đình và phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đơn cử, như gia đình anh A Kít, ở làng Trấp. Gia đình anh được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 16,94ha rừng tự nhiên. Nhiều năm qua, anh A Kít luôn thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ được Nhà nước giao, chủ động phối hợp với các hộ dân khác trong xã đi tuần tra, bảo vệ rừng 2 lần/tháng, tích cực tham gia các hoạt động đột xuất liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng khi được chính quyền địa phương huy động.

Hằng tuần, các hộ dân thôn Xốp Dùi đều đi tuần tra, canh giữ rừng. Ảnh: ĐT

 

Tháng 7 vừa qua, khi được nhận hơn 8 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, anh A Kít sử dụng một phần tiền để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, một phần tiền mua bổ sung vật liệu để xây dựng, cơi nới nhà ở; phần tiền còn lại anh tiết kiệm để phục vụ cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng diễn ra trong nhiều tháng tiếp theo.

“Nhiều hộ dân được Nhà nước giao đất giao rừng trong xã cũng sử dụng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả giống như tôi. Tuy mỗi hộ có mục đích sử dụng khác nhau, như mua con giống phát triển đàn gia cầm, mua quần áo và sách, vở cho con cái đi học, nhưng các hộ đều giữ lại một phần tiền để phục vụ cho việc đi tuần tra, bảo vệ rừng, như mua đồ ăn, dao, rựa, xăng”, anh A Kít nói.

Ở thôn Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei) hiện nay có 245 hộ dân. Hầu hết các hộ dân trong thôn đang tham gia Cộng đồng quản lý, bảo vệ hơn 1.176,91ha rừng, trong đó, có 251,4ha rừng do Nhà nước giao, 125,5ha rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Glei khoán, số diện tích rừng còn lại do BQL Khu BTTN Ngọc Linh khoán.

Ông A Đoan - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn kiêm Cộng đồng trưởng quản lý, bảo vệ rừng Xốp Dùi chia sẻ, các hộ dân trong thôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Hằng tuần, trên những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng xung quanh thôn Xốp Dùi đều có các hộ dân đi tuần tra, canh giữ. Những năm qua, diện tích rừng được Nhà nước giao và được các đơn vị chủ rừng khoán luôn được cộng đồng thôn Xốp Dùi bảo vệ, không bị xâm hại.

Hằng năm, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả, cộng đồng thôn Xốp Dùi đều thống nhất trích 60% số tiền để chi cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, 30% để chi cho hoạt động chung của thôn và số tiền còn lại sử dụng để hỗ trợ cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển mô hình sinh kế với lãi suất vay 1%/năm, thời hạn vay 12 tháng. Lũy kế đến nay, từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng thôn Xốp Dùi đã hỗ trợ cho 7 hộ dân vay tiền, mỗi hộ 5 triệu đồng để làm nhà, mua bò và gà giống về nuôi, mua cây giống dược liệu về trồng.

Anh A Kít sử dụng 1 phần tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả mua bổ sung vật liệu để xây dựng, cơi nới nhà ở. Ảnh: ĐT

 

“Hầu hết hộ dân vay tiền đều trả đúng hạn. Nhờ đó, nguồn tiền dành cho quỹ hỗ trợ phát triển sinh kế dần tăng lên hằng năm, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân khác tiếp cận nguồn vốn vay này. Theo tôi tính toán, năm 2023, cộng đồng thôn Xốp Dùi sẽ nhận được hơn 400 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Cộng đồng sẽ quản lý chặt chẽ, ghi chép đầy đủ, công khai, minh bạch các khoản thu, chi để phát huy hiệu quả nguồn tiền này trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ dân” - ông A Đoan cho hay.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả, các hộ gia đình, cá nhân nên sử dụng đúng mục đích, phục vụ nâng cao chất lượng đời sống và công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Các hộ gia đình, cá nhân còn có thể kết hợp nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả với các nguồn lực tài chính khác, như tiền tiết kiệm, tiền vay vốn từ ngân hàng, tiền hỗ trợ từ các chương trình, dự án để thực hiện đầu tư cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh doanh và dịch vụ.

Đối với cộng đồng dân cư thôn cần lập quy chế, kế hoạch sử dụng nguồn vốn một cách cụ thể với sự đồng thuận cao nhất của các hộ dân thành viên. Đồng thời, luôn đảm bảo có một khoản tiền dự phòng để chi cho các hoạt động cần thiết phát sinh. Sử dụng nguồn tiền để bảo vệ và phát triển rừng, cho các hoạt động chung của cộng đồng và phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Các lần chi nguồn tiền, ngoài chủ tài khoản cần có đại diện tổ giám sát (do cộng đồng dân cư thôn thành lập) cùng người dân tham gia theo dõi và báo cáo kết quả thu, chi nguồn tiền với toàn thể cộng đồng trong cuộc họp thôn gần nhất.                         

Đức Thành

Chuyên mục khác