18/02/2018 07:37
Rau xanh, trái cây đắt hàng
Trong khi phần lớn mọi người vẫn đang du xuân, chơi tết thì nhiều tiểu thương ở thành phố Kon Tum đã chọn ngày mùng 2 Tết để mở hàng lấy may.
Tại khu vực chợ Trung tâm thương mại thành phố Kon Tum, các sạp hàng bày bán đủ các loại nào là thịt, cá, rau, trái cây, hoa... Ngay từ sáng, không khí mua bán đã khá rộn ràng, nhưng đắt khách nhất phải nói đến các mặt hàng trái cây, rau xanh…
Chị Phạm Thị Nhi (tổ 11, phường Quang Trung) chia sẻ: Trước tết, tôi chỉ trữ ít thực phẩm tươi sống chứ không trữ rau, củ nên sáng nay phải đi mua sớm. Vả lại mấy hôm nay toàn ăn thịt, các loại đồ chiên xào nên tôi tính mua con cá, ít rau về nấu lẩu ăn cho đỡ ngán.
|
Các sạp bán trái cây cũng tấp nập người mua. Tuy nhiên, trái cây lại không được tươi xanh như những sạp rau bởi số trái cây là hàng tồn hoặc được người bán để dành lại bán vào buổi chợ đầu năm bởi thực tế chưa có xe trái cây nào được đưa đến.
Hầu hết các mặt hàng bày bán tại buổi chợ đầu năm đều có giá cao hơn ngày thường, nhưng không có tình trạng “chặt chém”, nói thách. Chẳng hạn như đậu cô ve có giá 15.000 đồng/kg, cà rốt, khoai tây 20.000 đồng/kg, súp lơ xanh 35.000 đồng/kg, khổ qua 25.000 đồng/kg...chênh lệch so với ngày thường từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Các loại trái cây tươi cũng được bán với giá cao hơn ngày thường khoảng 15 – 20%, nhưng vẫn thấp hơn so với những ngày giáp tết. Chẳng hạn như cam từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, xoài khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg, táo khoảng 45.000 đồng/kg, bưởi da xanh 50.000 đồng/kg...
|
Trong buổi chợ đầu năm, mặt hàng hoa tươi cũng được bày bán khá nhiều, nhưng nhiều nhất là lay ơn và cúc. Nếu như những bình lay ơn đỏ, vàng ngày 29, 30 Tết được bán với giá 70.000 – 100.000 đồng/bình thì ngày Mùng 2 Tết chỉ có giá từ 25.000 – 40.000 đồng/bình; giá các loại hoa cúc cũng tương đối mềm, chỉ 7.000 – 10.000 đồng/cây cúc Kon Tum, 35.000 – 40.000 đồng/bình cúc lưới, cúc chén Đà Lạt...
Điều đặc biệt trong buổi chợ đầu năm là không khí mua bán rất thoải mái và dễ chịu; người bán không nói thách, người mua cũng không kỳ kèo, trả giá bởi ai cũng muốn mua mau bán lẹ. Cùng với đó là những nụ cười tươi tắn, lời chúc bình an, may mắn trong năm mới.
Đi chợ mua lộc cầu may
Không chỉ mua thực phẩm, trái cây; trong buổi chợ đầu năm này, rất nhiều người đi chợ chỉ để mua chút lộc đầu xuân với hy vọng làm ăn phát đạt, hạnh phúc và vui tươi hơn trong năm mới.
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, vì thế, rất nhiều người đi chợ chỉ để mua bì muối, quả cau, lá trầu với mong muốn cầu mong điều may mắn và no đủ sẽ đến với gia đình trong năm mới. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no đủ nên người mua mong muốn tình cảm trong gia đình, bạn bè ngày càng thắm thiết, mặn nồng.
Bà Phan Thị Thảo (tổ 4, phường Duy Tân) giãi bày: Đầu năm nếu mua được lá trầu đẹp, quả cau ngon tôi tin rằng mình đã rước được cái lộc may mắn, tốt đẹp, báo hiệu một năm an lành, làm ăn suôn sẻ, gia đình êm ấm thuận hòa. Vậy nên năm nào cũng thế, tôi thường ra chợ vào ngày Mùng 2 Tết để tìm trầu cau. Cảm giác đi buổi chợ đầu tiên trong năm mới rạo rực khó tả lắm.
Nhanh tay lựa chọn một quả đu đủ to, đẹp, chị Nguyễn Thị Bé (thôn Phương Quý, xã Vinh Quang) cho biết: Quả đu đủ chỉ hơn 2 ký, nhưng người bán nói 50.000 đồng, mình cũng không trả giá, chỉ cần ưng mắt là được. Đầu năm mua đu đủ, tôi mong cả năm gia đình được đủ đầy, sung túc...
Mỗi người một mục đích, người mua đồ ăn, người mua hoa về cúng tổ tiên, người đi mua lộc cầu may...nhưng không có cảnh xô bồ, náo nhiệt thường ngày mà thay vào đó là sự những trao đổi mua bán nhẹ nhàng, vui tươi, ấm áp. Hy vọng không khí vui tươi trong buổi chợ đầu năm sẽ mang đến niềm vui và may mắn cho người bán lẫn người mua trong suốt những phiên chợ trong năm nay.
Bài, ảnh: Thiên Hương