Rời làng học làm nông nghiệp hữu cơ

30/08/2020 13:03

Sinh ra, lớn lên từ làng, cả tuổi thơ gắn bó với ruộng rẫy đã gieo vào lòng những cô bé, cậu bé người Xơ Đăng, Ba Na một tình yêu bền chặt với ruộng đồng. Để hôm nay, ở tuổi trưởng thành, cũng những cô bé, cậu bé ấy đã mạnh dạn rời làng, mang trong mình khát vọng làm giàu từ nông nghiệp.

Đó cũng chính là lý do họ tìm đến các trang trại nông nghiệp hữu cơ để học cách làm nông nghiệp bền vững với hy vọng việc thay đổi tư duy sẽ là chìa khóa vàng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp bà con vùng DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Y Vữ, 20 tuổi, là người Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm. Nhà Y Vữ ở làng Đăk Xô, xã Hiếu, huyện Kon Plông. Hơn 4 tháng nay, Y Vữ xa gia đình, đến làm việc tại Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên ở thị trấn Măng Đen.

Y Vữ tâm sự, bản thân từng nghĩ làm nông nghiệp hữu cơ rất đơn giản, chỉ cần không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, vậy đã là nông nghiệp hữu cơ rồi. Cho đến khi tham gia khóa học và trực tiếp làm việc tại mô hình rau hữu cơ của Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên thì suy nghĩ này mới thay đổi. Rau hữu cơ ở đây được trồng trong nhà màng kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng, thậm chí mẫu đất ở từng luống rau hay từng nhà màng riêng biệt đều được kiểm tra độ pH và chất dinh dưỡng hằng ngày.

Những công nhân làm việc tại nhà màng như Y Vữ được học cách sử dụng công nghệ thông tin để quản lý ruộng đồng. Tất cả kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc rau hoa hữu cơ được Y Vữ nghiêm túc học hỏi với mong muốn thời gian tới áp dụng vào thực tế làm nông nghiệp tại địa phương. Y Vữ hào hứng nói: “Ở đây, họ dạy em cách làm đất và phủ bạt lên từng luống rau. Mỗi loại rau lại có cách tỉa hạt, cách cấy khác nhau. Thường thì ngoài dọn luống, tỉa lá già, em còn được hướng dẫn ghi nhật ký ruộng đồng trên điện thoại. Lúc đầu hơi bỡ ngỡ nhưng làm nhiều thành quen. Em muốn học trồng rau như ở đây, biết được quy trình rồi sau này về làng áp dụng vào sản xuất, tuyên truyền mọi người trong làng cùng làm nông nghiệp hữu cơ”.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau hữu cơ. Ảnh: T.T

 

Cũng như Y Vữ, A Nhỉ - chàng trai Xơ Đăng 22 tuổi ở làng Đăk Bông, xã Măng Bút ấp ủ ước mơ được làm nông nghiệp hữu cơ theo đúng nghĩa. A Nhỉ cho biết, cơ duyên đến làm việc tại Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên là do thầy chủ nhiệm giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum giới thiệu. “Trong làng em, mọi người trồng rau không tưới, không bón phân, có đất là gieo hạt xuống chứ không xem xét kĩ đất đó có phù hợp hay không, đến khi rau lớn có thì thu, không có thì thôi. Còn ở đây, trồng rau phải chăm chút tý một, vừa bón phân đầy đủ, vừa theo dõi hằng ngày. Mục đích của em là vào đây học hỏi, sau này về làng, em sẽ chỉ cho mẹ em và bà con trong làng cách trồng rau đạt hiệu quả”.

Hợp tác xã Rau hoa và Du lịch Thanh niên có 14 công nhân đang làm việc, trong đó, 6 công nhân là người Xơ Đăng ở huyện Kon Plông và 2 công nhân người Ba Na nhánh Rơ Ngao đến từ huyện Đăk Tô. Tất cả đều còn rất trẻ, tuổi đời chỉ từ 18 - 24. Nói về những công nhân chăm chỉ của mình, chị Trần Thị Dung - quản lý Hợp tác xã cho biết: Các bạn trẻ ở đây vừa có nền tảng nông nghiệp từ bé, vừa làm việc rất cần cù, chăm chỉ lại tiếp thu rất nhanh khi được hướng dẫn kỹ thuật. Điều quan trọng hơn, có thể coi các bạn trẻ này là mắt xích quan trọng, bởi những điều học được ở đây đều có thể được các bạn vận dụng vào thực tế để phát triển cho chính địa phương của mình.

Còn quá sớm để nói về những thành công của những thanh niên rời làng đi học cách làm nông nghiệp hữu cơ này, dẫu vậy, không thể phủ nhận tình yêu với đất và khát vọng làm nông nghiệp bền vững đã và đang là động lực để họ nỗ lực nhằm đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bởi hơn ai hết, họ hiểu nông nghiệp bền vững sẽ giúp tạo ra thu nhập ổn định cũng như các giá trị bền vững cho sức khỏe và môi trường.    

Thu Trang

Chuyên mục khác