Rờ Kơi: Người thuê đất trồng mía lao đao

02/04/2018 07:05

​Hàng chục hộ dân ở xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) có đất cho tư nhân thuê để trồng mía. Nhưng do giá mía xuống thấp, làm ăn thua lỗ nên người thuê đất trồng mía trở nên lao đao, khó có khả năng thanh toán; người dân có đất cho thuê cũng khốn đốn theo...

Thời gian qua, đến địa bàn xã Rờ Kơi chúng tôi được nghe câu chuyện người dân than vãn việc người thuê đất trồng mía nhưng không chịu trả tiền thuê đất cho dân. Nguyên nhân là do người thuê đất trồng mía làm ăn bị thua lỗ nên không còn khả năng trả nợ, khiến hàng chục hộ dân có đất cho thuê như đang ngồi trên đống lửa.

Không thể lấy được tiền từ người thuê đất, nhiều hộ dân đã không ít lần phản ánh với già làng, thôn trưởng và chính quyền địa phương để nhờ can thiệp giải quyết, nhưng đến nay sự việc trên vẫn “ngoài tầm tay” của chính quyền địa phương.

Một hộ dân- đề nghị chúng tôi giấu tên- ở thôn Kram (xã Rờ Kơi) cho biết, gia đình tôi có gần 3,5ha đất trồng mì. Trước đây, ông Hân có đặt vấn đề bảo tôi cho ông ấy thuê toàn bộ diện đất trên để trồng mía với giá 60 triệu đồng/năm. Nghĩ trồng mì vất vả, nhưng thu nhập cũng bấp bênh bởi phụ thuộc vào giá cả thị trường; trong khi cho thuê đất, không cần phải làm gì cả mà lại có thu nhập ổn định 60 triệu/năm nên tôi đồng ý cho ông Hân thuê đất để trồng mía trong 3 năm.

Việc thu mua mía cầm chừng, giá thu mua thấp, khiến người trồng mía gặp khó. Ảnh: Đ.V

 

Năm đầu tiên sau khi thu hoạch mía, ông Hân đã thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, ông Hân không thanh toán như năm đầu mà cứ trả tiền lắt nhắt, đến nay vẫn chưa trả xong. Mỗi lần gặp, ông Hân cứ hẹn rày hẹn mai. Nhiều hộ ở xã này cũng bị ông Hân nợ tiền thuê đất dây dưa. Ông Hân hẹn với bà con sẽ thanh toán hết nợ cũ trong năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa trả khiến nhiều bà con vô cùng bức xúc - Người nông dân ở thôn Kram tiếp tục chia sẻ với tôi về tình trạng nợ tiền thuê đất trồng mía của ông Hân.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2010, Công ty CP Đường Kon Tum phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy và chính quyền xã Rờ Kơi vận động các hộ dân có đất phù hợp chuyển đổi từ trồng mì sang trồng mía. Theo đó, Công ty CP Đường Kon Tum cam kết sẽ hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn cho bà con những kỹ thuật trồng mía và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Những hộ không có khả năng trồng mía thì có thể liên kết hoặc cho những người từ nơi khác đến thuê đất để trồng mía. Mục đích là giúp cho bà con tiếp cận với việc trồng mía và dần dần chuyển sang trồng loại cây trồng này bán cho công ty, nhằm đảm bảo mang lại thu nhập cho nông dân và ổn định vùng nguyên liệu cho công ty. Việc làm này với mục đích ban đầu rất có ý nghĩa, cả người dân và công ty mía đường đều có lợi, nhưng thực tế diễn ra không như mong muốn.

Vào thời điểm triển khai chủ trương trên, giá mì xuống thấp, trong khi đó giá mía lại tăng cao nên bà con nông dân nơi đây phấn khởi với hướng làm ăn mới và hy vọng với loại cây trồng này sẽ giúp bà con xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Lúc bấy giờ, ông Trần Đình Hân được Công ty CP Đường Kon Tum giới thiệu đến thuê đất của bà con để trồng mía bán cho công ty. Năm 2010, ông Hân thuê lại đất của bà con 15ha để trồng mía. Nhờ chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật nên cây mía phát triển tốt, cùng với giá thu mua ổn định, sau khi thu hoạch năm đầu tiên thấy có lãi nên ông Hân quyết định mở rộng diện tích trồng mía.

Chỉ sau 2 năm sau, diện tích ông Hân thuê đất trồng mía đã lên đến 200ha. Do đầu tư trồng diện tích quá lớn, tiền thuê nhân công, phân bón... tốn kém nhiều, nhưng không quán xuyến hết nên bị thất thoát, nhiều diện tích mía không phát triển tốt, thậm chí có trên 20ha mía gần như bị mất trắng do cây mía còi cọc, không phát triển. Kể từ đó, việc đầu tư trồng mía của ông Hân ngày càng đi xuống và thua lỗ dần...

Dẫn chúng tôi đi thăm các đám mía đã trổ cờ, ông Trần Đình Hân cho biết: Tôi quanh năm suốt tháng cứ lăn lộn miết ngoài rẫy mía, cứ nghĩ cố gắng làm kiếm lợi nhuận và san sẻ cùng với bà con nông dân nơi đây. Nhưng ai ngờ khi bắt tay vào làm lại gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại. Giá thu mua mía thì giảm sâu, trong khi đó giá nhân công, giá phân bón, tiền thuê đất thì lại tăng cao. Bình quân giá thuê đất từ 20 đến 22 triệu đồng/ha/năm. Mùa mưa thì phải đầu tư làm đường trên 300 triệu đồng để xe vào được rẫy chở mía. Trâu, bò, heo của người dân cứ vào đám mía phá. Có năm mía sắp đến ngày thu hoạch thì bị cháy rụi. Do đó, gia đình tôi bị lỗ nặng trong việc đầu tư trồng mía, nhưng đã trót “đâm lao đành phải theo lao” thôi…

“Tôi đành phải bán đất, bán nhà ở thành phố Kon Tum để lấy tiền trả cho dân. Tính đến nay, tôi đã trả cho người dân có đất cho thuê trên 10 tỷ đồng tiền mặt; tôi còn nợ người dân tổng cộng khoảng 600 triệu đồng, hộ nợ nhiều nhất là 80 triệu đồng. Hiện tại, công ty chỉ thu mua mía cầm chừng và với giá thu mua mía thấp như hiện nay thì thuê công chặt mía bán không đủ tiền chi phí nên tôi  đành nhìn cây mía chết khô ngoài rẫy. Hiện giờ, tôi cũng chỉ đầu tư làm cầm chừng, đợi khi giá mía tăng cao tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh để tăng sản lượng, có tiền trả nợ cho bà con” - ông Hân than thở về hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mình.

Ông Trần Lệnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết: Việc người dân cho ông Hân thuê đất trồng mía trên địa bàn xã đã diễn ra nhiều năm nay. Bà con chủ yếu chỉ thỏa thuận bằng miệng với người thuê đất trồng mía và tất cả đều không thông qua chính quyền nên xã không thể nắm bắt hết được. Chỉ đến khi người thuê đất cho biết là ông Hân thiếu nợ, không trả tiền đúng hạn cho bà con thì sự việc mới vỡ lở.

Qua tìm hiểu của địa phương, hiện ông Hân đã bán đất đai, nhà cửa ở dưới thành phố Kon Tum để lên đây thuê đất đầu tư trồng mía. Ông Hân vẫn cam kết trả nợ cho bà con nhưng giờ giá mía xuống quá thấp, công ty thu mua mía cầm chừng, ông Hân đang gặp nhiều khó nên chưa thể trả nợ cho người dân đúng hẹn được. Do nợ nhiều nên người dân bức xúc, trước đây có người còn đốt mía của ông Hân vì chậm trả nợ. Hiện nay, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân bình tĩnh, không nên phá hoại và đang tìm cách để giúp đỡ ông Hân để ông có cơ hội làm ăn, trả nợ cho người dân - Ông Trần Lệnh Tuyến cho chúng tôi biết thêm về “cách làm khả dĩ” của chính quyền xã Rờ Kơi chỉ là tuyên truyền vận động người dân thông cảm và bình tĩnh chờ đợi ông Hân từng bước trả nợ.

                                                                                               Đắc Vinh

Chuyên mục khác