Rau xanh giảm giá sâu những ngày cận Tết

06/02/2024 13:41

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà con nông dân trồng rau trên địa bàn thành phố Kon Tum không khỏi lo lắng khi giá rau xanh giảm sâu tới 50% so với ngày thường.

Thành phố Kon Tum có khoảng 470ha rau, đậu các loại. Để chuẩn bị cung ứng rau cho thị trường Tết, bà con nông dân đã xuống giống đủ các loại rau, củ, quả; phổ biến nhất là cải ngọt, cải xanh, muống, xà lách, dền, cải cúc, cà chua, khổ qua.

Hiện bà con đang hối hả thu hoạch để phục vụ nhu cầu sử dụng và trữ Tết của người dân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, trên những cánh đồng rau, người nông dân đều một nỗi thấp thỏm, lo lắng vì giá rau đang quá rẻ so với ngày thường và so với vụ Tết năm ngoái.

Có “thâm niên” trồng rau gần 30 năm, năm nào gia đình ông Nguyễn Duy Điệp, ở tổ 4, phường Thắng Lợi cũng xuống giống các loại rau để cung ứng cho thị trường Tết. Năm nay, gia đình ông xuống giống 8 loại rau ăn lá và cà chua trên diện tích 3.000m 2 của gia đình và đi thuê.

Là một trong số ít nông dân ở thành phố Kon Tum trồng lagim có đầu ra ổn định vì áp dụng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap từ cách đây hơn 10 năm, ông Điệp cho biết: Mối hàng của gia đình là một số điểm rau an toàn, bếp ăn của trường học và bệnh viện tại thành phố Kon Tum nên giá cả ổn định và cao hơn bỏ sỉ ở ngoài chợ. Tuy nhiên khi “cung lớn hơn cầu”, thì phải “đổ” sỉ cho các tư thương tại chợ đầu mối hoặc bán cho các thương lái tại vườn, giá rất thấp như các loại rau không rõ nguồn gốc.

Ông Điệp chăm sóc luống rau chuẩn bị thu hoạch bán Tết. Ảnh: DN

 

So với giá rau trước Tết và so với cùng kỳ năm ngoái, giá rau hiện giảm ít nhất 50%. Đơn cử, vào thời điểm này năm ngoái và trước ngày 20 âm lịch, giá rau cải ngọt giao động từ 8.000 đồng -10.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo, khổ qua từ 20.000 đồng - 40.000 đồng/kg; nhưng hiện tại (ngày 6/2 – tức ngày 26 Tết), giá rau, quả giảm sâu: Cải ngọt chỉ từ 3.000 đồng -4.000 đồng/kg; cà chua, dưa leo cũng chỉ từ 5.000-6.000 đồng/kg bán tại vườn...

Ngoài giá thành hạ, lượng bán ra chậm và ít (chỉ từ 40-50kg/ngày), trong khi giá thuê nhân công vẫn giữ nguyên (lao động nữ 180.000 đồng/ngày, lao động nam 220.000 đồng/ngày); chi phí đầu tư cho 1000m 2 rau khoảng trên 5 triệu đồng từ cày bừa, mua giống, xuống giống, bón phân, chăm sóc và thu hoạch.

Ông Huỳnh Quốc Tuấn, cũng là hộ trồng rau tại cánh đồng tổ 4, phường Thắng Lợi. Gia đình ông có 2.000m 2 trồng các loại chủ yếu là cúc, mùng tơi, rau muống, cải ngọt, cải xanh; trong đó có 1.600m 2 là nhà lồng được đầu tư cách đây hơn 6 năm, chi phí trên 300 triệu đồng. Ông bỏ mối chủ yếu ở 2 cửa hàng rau sạch trên đường Hoàng Văn Thụ và Đào Duy Từ.

“Làm rau trong nhà lồng rất hiệu quả, không lo thời tiết, hạn chế sâu bệnh, giá thành bán ra ổn định, giá được “chốt” và áp dụng “quanh năm suốt tháng” không lên, xuống “mặc kệ” thị trường; ví dụ như xà lách vẫn nhập giá 15.000 đồng/kg; dền, cúc, cải 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi giá rau ngoài thị trường thấp, số lượng rau cửa hàng rau sạch nhập sẽ giảm, bởi nhiều người tiêu dùng vẫn có tâm lý ham rẻ, nhiều người chưa biết đến sản phẩm VietGap, nhất là rau không rõ nguồn gốc được bán khắp nơi, tiện lợi cho người mua. Hiện chỉ bán được từ 40-50 kg/ngày, bằng phân nửa ngày thường và Tết năm ngoái, số còn lại bán đổ bán tháo cho tư thương với giá rẻ hoặc dùng để chăn nuôi” – ông Tuấn cho hay.

Ông Tuấn thu hoạch cà chua bi trong nhà lồng. Ảnh: DN

 

Trồng lagim đã chục năm nay, để phục vụ thị trường Tết, trên diện tích 6.000m 2 , gia đình ông Hoàng Văn Thuyết, ở tổ 3, phường Nguyễn Trãi đã chia đôi thửa đất để trồng rau ăn lá và cà chua. Ông Thuyết vừa tranh thủ thu hoạch mấy luống rau vừa chia sẻ: Như mọi năm, vào những ngày giáp Tết, giá rau, củ, quả sẽ tăng, tuy nhiên đến thời điểm này, giá rau không tăng mà còn giảm sâu từng ngày, thu không đủ chi. Với giá cả như hiện nay, huề vốn, không thua lỗ là mừng rồi. Ráng hết ngày 30 Tết, rồi nghỉ ngày mùng 1, mùng 2 tiếp tục làm, hi vọng giá cả khá hơn. Vụ màu Tết luôn được bà con nông dân kỳ vọng nhất trong năm, rau được giá ăn Tết mới vui, mới có tiền
sắm Tết.

Theo những nông dân trồng rau, giá rau giảm mạnh là vì nhiều lý do, như năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất rau đạt cao; nhiều gia đình tự trồng được rau để sử dụng; học sinh nghỉ Tết; bệnh nhân nhẹ xin xuất viện về nhà đón Tết, công nhân tại khu công nghiệp về quê ăn Tết, người dân đi du xuân ngoài tỉnh…nên sức mua giảm hẳn. Bên cạnh đó, rau ở một số tỉnh lân cận chuyển lên Kon Tum khá nhiều, nên giá rau các loại tiếp tục giảm.

Theo khảo sát của phóng viên, giá rau bán ra tại thị trường thành phố Kon Tum vẫn cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá các thương lái thu mua của người nông dân. Tết cận kề, người nông dân vẫn đứng ngồi không yên, hy vọng giá rau xanh tăng trở lại là rất mong manh.

Dương Nương


 

Chuyên mục khác