23/02/2017 08:02
Đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều nông dân tâm huyết với hướng sản xuất này và họ cũng đã thực sự thành công với mô hình rau an toàn được làm ra bằng cả trái tim của người sản xuất mà tôi đã được gặp.
Sáng sớm của một ngày đầu năm mới, tôi có mặt tại cánh đồng rau của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Đăk Bình, chứng kiến không khí sản xuất rộn ràng của người nông dân. Chỗ này người làm đất, chỗ kia người trồng và chăm bón rau, chỗ người dân tập trung thu hoạch rau...Tổ hợp tác này với 13 thành viên tham gia, diện tích rau trên 5ha được sản xuất theo mô hình rau an toàn đang hàng ngày cung cấp cho thị trường huyện Đăk Hà một lượng rau không nhỏ.
Chỉ tay về đám ruộng trồng ớt đang kỳ thu hoạch, chị Phạm Thị Hải bày tỏ: Cô thấy đấy, rau an toàn không thực sự mướt mát và bắt mắt, nhưng an tâm đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng. Chúng tôi làm rau ở đây tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu hoá học, chỉ dùng thuốc sinh học, có khi rau sâu nhiều còn phải giã tỏi, ớt, gừng để phun và dùng tay bắt nữa... Nói thật, khi đăng ký tham gia vào tổ hợp tác này, tôi không có ý muốn được Nhà nước hỗ trợ tiền bạc, giống vốn gì mà chỉ mong được học tập và làm rau an toàn cho đúng kỹ thuật để bảo vệ sức khoẻ của bản thân mình, bởi hơn ai hết chúng tôi – những người trực tiếp sản xuất tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với các loại hoá chất, các thuốc trừ sâu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Sản xuất rau an toàn, chúng tôi phải thực hiện bài bản quy trình sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ và bảo quản; những yếu tố liên quan đến sản xuất như môi trường, các chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bao bì đều phải tuân thủ quy trình “sạch”. Dù vất vả hơn chút ít, năng suất cũng có thấp hơn ít nhiều, nhưng làm rau sạch mình khoẻ, sản phẩm làm ra có uy tín yên tâm bán cho người dân ăn mình cũng vui chứ.
Không chỉ ở Đăk Ngọk, tại huyện Sa Thầy có 27 hộ trồng rau cũng đã tự nguyện đăng ký làm và bán rau an toàn. Lý do mà những nông dân này đưa ra đơn giản vì rau an toàn vừa tạo thu nhập ổn định, vừa bảo vệ môi trường, cả người sản xuất và người tiêu dùng đều yên tâm. Mô hình này được làm đầu tiên tại xã Sa Nghĩa, sau đó lan rộng ra thị trấn Sa Thầy, các xã Sa Sơn, Sa Nhơn.
Chị Vy Thị Hồng Cam (ở thôn Hoà Bình, xã Sa Nghĩa) chia sẻ: Những gia đình trồng rau an toàn đều rất hạn chế sử dụng phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật hoá học mà chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ mục, dùng các loại thuốc sinh học từ thảo mộc chiết xuất để phòng trừ sâu bệnh và tuyệt đối không sử dụng thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ. Việc làm này trước hết là để bảo vệ sức khoẻ của bản thân mình, rồi đến môi trường sống và sau đó là sức khoẻ người tiêu dùng.
Với sự hỗ trợ của chính quyền huyện Sa Thầy từ việc tập huấn kiến thức, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn của sản phẩm từ trước khi thu hoạch đến khi rau được mang ra chợ bán, đến việc bố trí hẳn một khu bán rau an toàn đã thêm động lực để người dân gắn bó với mô hình này.
Thực tế, trồng rau an toàn đang mang lại nguồn thu ổn định và cao hơn rất nhiều so với trồng lúa cho các hộ nông dân. Người bán vui, người tiêu dùng trên địa bàn huyện cũng phấn khởi vì có nguồn rau đủ tin cậy để sử dụng.
Tại tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum cũng có 4 gia đình tham gia sản xuất rau an toàn với diện tích đất gần 1ha. Ban đầu, các hộ dân này tham gia mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap là do Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum vận động, thuyết phục. Nhưng sau một thời gian làm và gắn bó với cách sản xuất an toàn này, họ đã quen và dường như không còn quan tâm đến việc Nhà nước hỗ trợ hay giám sát nữa mà họ làm vì họ yêu thích.
Anh Nguyễn Duy Điệp (tổ 4, phường Thắng Lợi) có trên 3.000m2 ruộng sản xuất theo mô hình rau an toàn vui vẻ giãi bày: Làm rau an toàn vất vả lắm, nó khắt khe từ khâu làm đất, gieo trồng đến chăm bón, thu hoạch... Thế nhưng, tôi nghĩ mặc dù sản xuất an toàn mất công sức và chi phí cũng cao hơn, nhưng giá trị thu được cũng lớn hơn so với việc sản xuất rau trước đây. Nó không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, mà ngay trước mắt đã giúp bảo vệ sức khoẻ cho mình vì không sử dụng các loại thuốc độc hại, lợi nhuận có thể ít đi đôi chút nhưng quan trọng là mình không phải nơm nớp lo lắng.
|
Anh Điệp còn tiết lộ thêm rằng rau an toàn của gia đình anh không chỉ được doanh nghiệp thu mua, mà đến nay có rất nhiều người từ tiểu thương đến người dân còn tìm đến tận ruộng để hỏi mua.
Nhìn những luống rau xanh mướt tại khu ruộng nhà anh Điệp được sản xuất không đơn thuần chỉ bằng kỹ thuật tiên tiến mà còn bằng cả trái tim, tâm huyết của người làm ra, chúng tôi thầm nghĩ rau an toàn chỉ có thể được làm ra khi những người dân họ tự giác, tự nguyện và thực sự muốn làm.
Nhìn từ những mô hình rau an toàn này, có thể nói, nông dân tham gia sản xuất rau an toàn lợi nhuận trước hết của họ là đã tiết giảm được phân, thuốc, vật tư đầu vào… trong quá trình sản xuất. Nông dân còn tăng thêm lợi nhuận khi sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường do sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Thiên Hương