Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan

16/09/2019 06:01

Sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn vào cuối tháng 5/2019, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương kịp thời vào cuộc triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng, dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang có chiều hướng lây lan nhanh, diễn biến phức tạp rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của ngành chức năng, của các địa phương và người dân…

Diễn biến phức tạp

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại huyện Ia H’Drai vào ngày 30/5/2019. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Ia H’Drai, ngành chức năng và chính quyền các địa phương khác triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn với tinh thần “chủ động, không chủ quan lơ là, không giấu dịch, quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh”, “chống dịch như chống giặc”, nhưng do tính chất lây lan nhanh, chưa có loại thuốc đặc hữu để trị dịch bệnh, nên dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xuất hiện ở các địa phương khác. Đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 6/10 huyện, thành phố gồm: Ia H’Drai, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum.

Lũy kế toàn tỉnh tính đến ngày 10/9, buộc phải tiêu hủy 2.474 con lợn bị mắc bệnh của 461 hộ chăn nuôi, với tổng trọng lượng 132.997kg; thuộc 54 thôn, 22 xã, phường, 6 huyện, thành phố. Cụ thể, huyện Ia H’Drai 301 con, trọng lượng 7.849 kg; Đăk Hà 1.338 con với trọng lượng 94.308 kg; Sa Thầy 515 con, trọng lượng 16.477kg; Kon Rẫy 40 con, trọng lượng 1.232 kg; Tu Mơ Rông 16 con, trọng lượng 405 kg; thành phố Kon Tum 264 con, trọng lượng 12.726 kg.

Người dân cần làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại và phun thuốc phòng dịch cho đàn gia súc. Ảnh: PN 

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, khó lường. Điển hình như ở huyện Ia H’Drai, sau một thời gian không có phát sinh thêm gia súc mắc bệnh, ngày 5/7/2019, UBND huyện Ia H’Drai ban hành Quyết định số 128 về việc công bố hết dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Ia Tơi (địa phương có ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên trên địa bàn tỉnh). Và cũng theo Quyết định này, các xã Ia Dom, Ia Đal cũng thoát khỏi vùng bị uy hiếp xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Thế nhưng, chỉ 12 ngày sau  (tức ngày 17/7), tại huyện Ia H’Drai tiếp tục tái phát ổ dịch tả lợn Châu Phi tại thôn 1, 7, 8 của xã Ia Tơi và thôn 1 của xã Ia Đal. UBND huyện ban hành Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 về việc công bố dịch tả lợn Châu Phi tại xã Ia Tơi. Đến ngày 10/9, các địa phương và ngành chức năng của huyện đã tiến hành tiêu hủy 301 con, trọng lượng 7.849 kg.

Hay như ở thành phố Kon Tum, ngày 23/7, dịch bệnh xuất hiện tại tổ 5, phường Nguyễn Trãi với 10 con mắc bệnh. Ngay sau đó, thành phố triển khai mọi biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như đẩy mạnh tuyên truyền, lập chốt kiểm dịch, tiêu độc khử trùng, tiêu hủy heo bị bệnh… nhưng đến ngày 20/8 dịch lại tiếp tục bùng phát tại 4 xã, phường, gồm: Nguyễn Trãi, Quang Trung, Vinh Quang và Duy Tân. Không dừng lại tại đó, đến ngày 10/9, tại địa bàn thành phố, dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ra 9 xã, phường gồm: Nguyễn Trãi, Quang Trung, Duy Tân, Ngô Mây, Đăk Blà, Chư Hreng, Vinh Quang, Ia Chim, Trần Hưng Đạo với số lợn đã tiêu hủy 264 con, trọng lượng 12.726 kg.

Theo ông Hà Thanh Lâm - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh), tình hình đáng quan ngại hơn là số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tăng lên theo từng ngày. Đơn cử chỉ tính riêng trong ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm và tiêu hủy 26 con lợn (7 nái, 1 lợn đực, 17 lợn thịt, 1 lợn con) mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi của 9 hộ (hộ mới) chăn nuôi với tổng trọng lượng tiêu hủy 872kg. Trong đó, huyện Đăk Hà phát sinh và tiêu hủy 15 con lợn thịt mắc bệnh của 2 hộ chăn nuôi (hộ mới) tại 2 thôn của xã Đăk Ngọk, với tổng trọng lượng tiêu hủy 479kg;  huyện Sa Thầy phát sinh thêm và tiêu hủy 11 con tại 4 thôn, làng (làng Kênh, Xộp, Le của xã Mô Rai; làng Bar Gốc, xã Sa Sơn), của 7 hộ (hộ mới) với tổng trọng lượng tiêu hủy 393kg.

Một trong những khó khăn trong công tác phòng dịch tả lợn Châu Phi ở tỉnh ta là, hầu hết quy mô chăn nuôi trên địa bàn nhỏ lẻ, chuồng trại không đảm bảo, tập quán của bà con đồng bào DTTS chăn nuôi thả rông nên việc áp dụng các biện pháp phòng dịch an toàn sinh học gặp khó khăn. Cùng với đó, nhận thức của một số hộ chăn nuôi còn thấp, chủ quan, nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh lây lan càng cao nếu chúng ta không có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn... Thêm vào đó, hiện tại thời tiết ở tỉnh ta đang là mùa mưa, nên việc vệ sinh môi trường trong chăn nuôi và công tác tiêu độc, khử trùng đảm bảo an toàn sinh học gặp nhiều khó khăn. Đây là những yếu tố khiến bệnh dễ lây lan.

Quyết liệt chống dịch

Hiện nay, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi đang được các cấp chính quyền, các ngành trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tình hình dịch bệnh được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nắm bắt sát sao và có báo cáo cụ thể hàng ngày với UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời. Ở các địa phương ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền địa phương đều khẩn trương phối hợp với ngành chức năng tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của hộ chăn nuôi có lợn bệnh, đồng thời triển khai cấp bách các biện pháp tiêu trùng khử độc, khoanh vùng dập dịch.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Ngày 27/8, đàn lợn 16 con của ông Dương Minh Hùng, ở thôn Kon Tun, xã Đăk Hà có 9 con bị chết bất thường, 7 con còn lại có triệu chứng sốt, bỏ ăn, lông xù. Qua xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên lợn dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi, ngành chức năng kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn trên với tổng trọng lượng 405kg và phun hóa chất tiêu độc, rải vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi.  

Tiêu trùng khử độc phương tiện lưu thông ra vào vùng dịch. Ảnh: VN 

Cũng theo ông Vương Văn Mười, huyện Tu Mơ Rông có những khó khăn đặc thù như chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, địa bàn rộng… làm cho dịch bệnh lây lan rất cao; vì vậy, đến nay, mặc dù không có phát sinh thêm gia súc mắc bệnh mới nhưng huyện không vì thế mà chủ quan. Hiện nay, chính quyền địa phương đang huy động nhân lực, vật lực để triển khai các biện pháp nhằm khống chế và dập tắt dịch bệnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn, cấp hóa chất kịp thời cho các địa phương; chỉ đạo triển khai các biện pháp tiêu trùng khử độc tại ổ dịch và vùng lân cận để tránh lây lan…

Trước diễn biến của dịch bệnh và những khó khăn đặc thù, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang phối hợp với các huyện, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, chú trọng phát huy hiệu quả, đảm bảo trực 24/24h ở 3 trạm kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và 16 chốt kiểm dịch động vật tạm thời do các huyện, thành phố thành lập; tăng cường cán bộ chuyên môn của Trạm Kiểm dịch Măng Khênh. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm soát liên ngành tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông như khử trùng tiêu độc, kiểm tra phương tiện lưu thông, số động vật, sản phẩm động vật qua các trạm trong ngày; chủ động các nguồn, sẵn sàng cấp tạm ứng vật tư hóa chất kịp thời cho các địa phương chống dịch…

Ông Hà Thanh Lâm cho biết: Để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan, ngoài việc các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp thì điều quan trọng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng dịch như phun thuốc tiêu trùng khử độc, vệ sinh chuồng trại, không sử dụng thức ăn sống mà dùng thức ăn chín cho gia súc; khi phát hiện gia súc có biểu hiện lạ cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương xử lý kịp thời… để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhằm bảo vệ an toàn cho đàn gia súc.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác