Quyết liệt hơn với trạm cân nông sản “nhiều không”

07/07/2023 06:05

Dù góp phần phát triển kinh tế nông thôn, phục vụ đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nhưng hàng loạt trạm cân nông sản tự phát, vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng.

Theo Báo cáo số 160/BC-UBND ngày 1/6 của UBND tỉnh, đến tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh có 140 trạm cân thu mua nông sản, trong đó có 110 trạm cân của hộ gia đình, cá nhân; 30 trạm cân của tổ chức, doanh nghiệp.

Các trạm cân thu mua nông sản hoạt động theo mùa vụ, không thường xuyên; đa số có quy mô nhỏ lẻ, lắp đặt tạm thời trên phần đất sẵn có thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình và không gắn với dự án đầu tư.

Nhưng điều rất đáng lưu ý là có nhiều trạm cân “nhiều không”.

Cụ thể, về xây dựng, có 83/140 trạm cân không phù hợp quy hoạch; 43/140 trạm cân xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng.

Về đất đai, có tới 104 trạm cân không phù hợp mục đích sử dụng đất; 3 trạm cân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 87/140 trạm cân không phù hợp mục đích sử dụng đất.

Một trạm cân nông sản tại huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: HL

 

Về quy hoạch đấu nối giao thông, có 71/140 trạm cân không phù hợp quy hoạch; 16/140 trạm cân đấu nối vào đường không có quy hoạch đấu nối (đường huyện, đường liên thôn…).

Bên cạnh đó, vì là hoạt động thương mại dịch vụ, nên tại một số trạm cân xảy ra tình trạng tập trung đông người, phương tiện giao thông, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, môi trường, an ninh trật tự.

Đó là chưa kể đến những bất cập nảy sinh liên quan đến cạnh tranh bất bình đẳng, tranh mua tranh bán, cũng như khó khăn trong kiểm soát các hành vi gian lận thương mại.

Việc các trạm cân thu mua nông sản hoạt động tự phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thu mua nông sản; gây bất bình trong dư luận. Và tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XII (tháng 12/2022), vấn đề này đã được đưa lên bàn nghị sự.

Sau đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, nghiêm túc, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp xây dựng trạm cân thu mua nông sản trái phép; có vi phạm về đất đai, xây dựng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền các huyện, thành phố đã rà soát, xử lý các trạm có hành vi vi phạm; tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất, không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông, môi trường.

Như ở huyện Đăk Glei, chính quyền đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 trạm cân thu mua nông sản trên địa bàn huyện (vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ).

Người dân tự tháo dỡ trạm cân nông sản vi phạm ở xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum. Ảnh: H.L

 

Ở thành phố Kon Tum, thời điểm cuối năm 2022, toàn thành phố có 22 trạm cân thu mua nông sản tại 7 xã và 4 phường. Các trạm cân đều xây dựng từ năm 2013 và đều vi phạm về xây dựng, đất đai. Một số trạm cân tự ý đấu nối với tuyến tỉnh lộ, ảnh hưởng trật tự đô thị và an toàn giao thông.

UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tiến hành rà soát, thống kê cụ thể từng vị trí, mức độ vi phạm của các trạm cân. Đồng thời vận động các trạm cân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.

Tuy nhiên, mới chỉ có 8/22 trạm cân ở các xã Kroong, Ngọc Bay, Đăk Blà và phường Lê Lợi tháo dỡ; 14 trạm cân còn lại chưa thực hiện. Một số trường hợp cố tình không hợp tác, gây cản trở trong việc giải quyết.

Không thể phủ nhận rằng, trạm cân thu mua nông sản đang góp phần vào sự phát triển kinh tế nông thôn, phục vụ đời sống người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Vì vậy, trong những năm qua, UBND tỉnh và các địa phương luôn quan tâm, có cơ chế ủng hộ, khuyến khích phát triển loại hình này, nhằm giải quyết nhu cầu tiêu thụ nông sản của nhân dân, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện vận chuyển hàng hóa còn nhiều khó khăn.

Nhưng trên thực tế, nhiều trạm cân đã không đảm bảo các quy định của pháp luật về đầu tư (đối với trường hợp thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư), xây dựng (quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng), đất đai (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất), giao thông (đấu nối giao thông, an toàn giao thông) đã đem lại những hệ lụy không nhỏ.

Để giải quyết tình trạng trạm cân nông sản “nhiều không”, các sở, ngành liên quan cần rà soát, kiểm tra, bố trí quy hoạch các vị trí thu mua nông sản đáp ứng được điều kiện xây dựng, hoạt động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật (đất đai, xây dựng, giao thông).

Kiên quyết xử lý các trạm cân thu mua nông sản có hành vi vi phạm, không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông, môi trường. Trường hợp không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Theo ông Phan Ngọc Định- Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, để xử lí dứt điểm hoạt động của các trạm cân thu mua nông sản vi phạm, cần có sự phối hợp tốt hơn, quyết liệt hơn giữa các ngành và địa phương trong việc rà soát, thống kê cụ thể từng vị trí, mức độ vi phạm của các trạm cân.

Đồng thời hoàn tất đầy đủ hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định;  xác định rõ thời điểm xây dựng của các trạm cân làm cơ sở để xử lý. Tăng cường vận động hộ dân tự tháo dỡ các trạm cân lắp đặt sai phạm; kiên quyết xử lý, thậm chí cưỡng chế tháo dỡ các trạm cân vi phạm bất hợp tác.

Và cuối cùng, khâu hậu kiểm là rất quan trọng. Chính quyền cấp xã cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiệm hoạt động của các trạm cân thu mua nông sản, tránh tái diễn và phát sinh vi phạm mới.       

Hồng Lam

Chuyên mục khác