05/09/2022 06:01
|
Tôi nhớ mãi tiếng cười nhẹ nhõm từ ông H- một nông dân ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà khi nghe tin UBND tỉnh thu hồi diện tích đất cho Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương thuê rồi... bỏ hoang nhiều năm.
Đó là một khu đất rộng và đẹp, lại sát quốc lộ. Rứa mà để hoang mười mấy năm nay rồi. Sao Nhà nước không lấy lại đi? Ông H. từng phát biểu tại một cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND 2 cấp tại địa phương.
Ấy là ông đang nói về 55.000m2 đất tại Cụm công nghiệp Đăk La (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) mà Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương được thuê để thực hiện dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi từ năm 2005.
Không cần nói cũng biết, bà con nơi đây đã vui mừng như thế nào khi biết tin sẽ có nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc “cỡ bự” được xây dựng ở đây. Nông sản làm ra có chỗ tiêu thụ; con em được tuyển vào làm công nhân, có thu nhập ổn định là viễn cảnh được vẽ ra, rất đẹp.
Nhưng từ năm 2005 đến năm 2018, khi UBND tỉnh ra quyết định thu hồi diện tích đất cho thuê, doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng nhà máy theo dự án được phê duyệt, không đưa đất vào sử dụng.
Rõ ràng tiếng cười nhẹ nhõm của ông H. cho thấy ông, và những người nông dân như ông hài lòng với việc thu hồi diện tích “đất đẹp như vẽ” giao cho địa phương quản lý, sử dụng để tránh lãng phí.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp, góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật đất đai còn nhiều, trong đó có tình trạng các tổ chức, doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm (hoặc không) đưa đất vào sử dụng, làm lãng phí tài nguyên đất, gây bức xúc trong dư luận.
Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng việc hàng loạt dự án ì ạch hoặc không làm gì trên diện tích đất được giao hoặc được thuê bị thu hồi đất đang truyền đi một thông điệp rất mạnh mẽ.
Như tháng 5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã ký văn bản thu hồi chủ trương khảo sát 2 dự án của Tập đoàn FLC tại huyện Kon Plông. Lý do là đã hết thời hạn khảo sát nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thành việc lập dự án và các thủ tục liên quan, ảnh hưởng đến việc triển khai lập quy hoạch, thu hút đầu tư vào địa phương.
Hay ngày 17/7, UBND huyện Đăk Tô có văn bản để nghị UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra đối với 2 tổ chức được Nhà nước cho thuê đất nhưng chưa đưa vào sử dụng, bàn giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng nhằm tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Ngày 9/8/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi diện tích 1.500m2 đất của Công ty Cổ phần Sài Gòn Măng Đen tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Lý do thu hồi do công ty này không đưa vào sử dụng.
|
Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã có quyết định không công nhận khiếu nại (lần đầu) của Công ty CP Tập đoàn Tân Mai và giữ nguyên việc thu hồi một phần diện tích đất cho doanh nghiệp này thuê ở huyện Đăk Tô.
Năm 2009, dự án nhà máy sản xuất bột giấy quy mô lớn nhóm A với vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, công suất giai đoạn đầu 130.000 tấn/năm được cấp phép xây dựng trên diện tích 157ha tại huyện Đăk Tô.
Đây là dự án được chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương đặt nhiều kỳ vọng đem lại động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
Thế nhưng không như kỳ vọng ban đầu, đến nay, sau hai lần khởi công, địa điểm xây dựng nhà máy vẫn là khu đất để hoang với nhà xưởng xây dựng dở dang, đống dây chuyền máy móc thiết bị đã qua sử dụng mua từ nước ngoài ngày càng xuống cấp.
Các mục tiêu xã hội khi dự án đi vào sản xuất, như giải quyết việc làm cho khoảng 6.800 lao động; từ năm 2012 đến năm 2020 mỗi năm trồng mới trên 4.700ha rừng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển vùng nguyên liệu; tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương đều phá sản.
Bên cạnh đó, việc dự án sản xuất bột giấy quy mô lớn, nhóm A sau 16 năm triển khai vẫn “bất động” đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội của tỉnh Kon Tum.
Một lãnh đạo huyện Đăk Tô từng “kêu” rằng, dự án giẫm chân tại chỗ ảnh hưởng rất lớn đến việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nếu không muốn nói là phá vỡ quy hoạch, và đề nghị “cấp có thẩm quyền cần thu hồi đất giao cho địa phương”.
Tháng 1/2021, UBND tỉnh lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, môi trường tại Dự án Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum.
Trong chuyến kiểm tra tình hình thực tế của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Tô, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã yêu cầu tính đến việc thu hồi quỹ đất nói trên để có hướng thu hút đầu tư hiệu quả, nếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai không triển khai xây dựng đúng hạn.
Tháng 5/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 260/QĐ-UBND thu hồi một phần diện tích đất đã cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai thuê đất, giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh quản lý.
Quyết định nêu rõ, lý do thu hồi là “người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013.
Thực tế trên cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc khắc phục tình trạng lãng phí đất đai; khai thác, sử dụng hiệu quả để đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đây cũng có thể xem là biểu hiện của nỗ lực cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đó là khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí.
Hẳn rằng, “thời” của những dự án nhận đất rồi để đó đang đến hồi kết!
Hồng Lam