Quyết liệt hơn với giải ngân vốn đầu tư công

12/04/2022 06:06

Tập trung đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm đến nay. Vì vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quý I/2022 đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2022, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.870,1 tỷ đồng, tăng 30,14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn Nhà nước trên địa bàn thực hiện là 1.518,98 tỷ đồng, tăng 79,01% so với cùng kỳ và chiếm 31,19% trong tổng nguồn. Vốn đầu tư thuộc khu vực ngoài Nhà nước là 3.337,896 tỷ đồng, tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 72,07% trong tổng nguồn. Vốn đầu tư thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 13,226 tỷ đồng, chiếm 0,27% trong tổng nguồn vốn.

 
Giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ góp phần đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh: HL

 

Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt.

Giống như những năm trước, trong quý I/2022, nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt; công trình giáo dục; y tế…

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sở dĩ nguồn vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh trong quý I/2022 tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 là do các sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt nên các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn cho các dự án.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân được 294,889 tỷ đồng, đạt 15,98% trên thực nguồn kế hoạch. Ước đến tháng 4/2022 sẽ đạt trên 25% thực nguồn kế hoạch.

Tỷ lệ giải ngân một số nguồn vốn có chuyển biến tích cực như, nguồn vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí, định mức đạt 23,39%; nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ ngành/lĩnh vực quốc phòng đạt 38,03%…

Để đạt chuyển biến tích cực trên, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trước hết, UBND tỉnh đã chủ động triển khai sớm kế hoạch phân khai vốn đầu tư công năm 2022. Đến nay, đã có 3.166,556 tỷ đồng được giao cho các ngành, địa phương (ngân sách địa phương là 1.784,041 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 1.382,515 tỷ đồng).

Cùng với việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tỉnh đã tổ chức đi kiểm tra thực tế để nắm bắt tình hình giải ngân và giải quyết các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… Qua đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, vi phạm các quy định của pháp luật trong triển khai dự án.

Các địa phương cũng triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Như chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công gắn với đảm bảo chất lượng công trình; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I/2022 của tỉnh vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Theo lý giải của cơ quan chức năng, nguyên nhân là bởi một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, thương thảo hợp đồng.

Ngoài ra, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, hoặc nhà thầu thi công theo kiểu "cầm chừng" để chờ giảm giá, tránh lỗ đã có tác động không nhỏ đến thực hiện vốn đầu tư.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc một số chủ đầu tư, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo nền tảng để tỉnh Kon Tum hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Vì vậy, để đảm bảo toàn bộ nguồn vốn đầu tư công được đưa vào nền kinh tế, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trong đó, phát huy tối đa vai trò của Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. 

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, góp phần đảm bảo hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: HL

 

Chỉ đạo chủ đầu tư dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Một biện pháp “cũ mà mới” cần được thực hiện là sẵn sàng điều chuyển vốn đối với các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Tất nhiên, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình; chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.    

Hồng Lam

Chuyên mục khác