19/01/2018 06:56
"Định vị" khu vực cấm khai thác khoáng sản
Theo các tài liệu địa chất khoáng sản hiện có, Kon Tum có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng về chủng loại, từ khoáng sản nguyên liệu (gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ...) đến khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc..), một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (wolfram, sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm...), công nghiệp điện hạt nhân (uran, thori, đất hiếm...).
Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực quản lý khoáng sản như: Quyết định 12/2010/QĐ-UBND ngày 21/4/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015 và xét đến năm 2020; Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định 534/QĐ-UBND ngày 05/8/2015)...
|
Bên cạnh đó, từ năm 2014, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo quy định tại Luật Khoáng sản 2010, từ đó tạo dựng một “sân chơi” sòng phẳng, minh bạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 1.111 vị trí, khu vực, tuyến cấm hoạt động khoáng sản (tổng diện tích 297.421,31 ha) và 732 vị trí tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (tổng diện tích 335,96 ha).
Việc xác định và khoanh vùng rõ từng khu vực cấm, hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh là một trong những "tiền đề" để các địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ cụ thể, hiệu quả hơn- ông Võ Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Không có "ngoại lệ" trong xử lý sai phạm
Với sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cuộc chiến bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã và được triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, có sự thống nhất từ tỉnh xuống xã; sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng với chính quyền; giữa các ngành có liên quan.
Chỉ riêng trong năm 2017, đã có hàng trăm cuộc kiểm tra, truy quét được thực hiện, theo chương trình, kế hoạch hoặc đột xuất... Và kết quả là hàng loạt doanh nghiệp có sai phạm bị “tóm gọn”; hàng chục "khoáng tặc" từng hoành hành ở các địa phương bị chặn đứng...
Như vụ khai thác vàng trái phép ở xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei bị phát hiện tháng 10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định phạt 180 triệu đồng đối với 3 "vàng tặc"; vụ khai thác vàng trái phép ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, 4 đối tượng đã bị phạt 240 triệu đồng.
Không chỉ các đối tượng có vi phạm bị xử lý nghiêm mà ngay cả những cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính cũng không thể "trốn trách nhiệm" khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mình quản lý.
Với sự chỉ đạo kiên quyết của UBND tỉnh, thành phố Kon Tum đã phải áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với 1 bí thư đảng ủy, 1 chủ tịch UBND phường do đã buông lỏng quản lý, để xảy ra việc doanh nghiệp đắp đập nắn dòng chảy sông Đăk Bla để khai thác cát trái phép trong thời gian dài; kỷ luật khiển trách đối với hàng loạt cán bộ phường Ngô Mây do đã buông lỏng quản lý, để xảy ra hoạt động xây dựng nhà xưởng không phép, khai thác đất sét trái phép trong thời gian dài nhưng không xử lý kịp thời.
Hoặc ở huyện Đăk Glei, đã có 3 chủ tịch xã, các phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, cán bộ địa chính của 3 xã bị áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách vì để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép...
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường- Phạm Đức Hạnh, sự quyết liệt ấy cho thấy không có bất cứ một ngoại lệ nào khi thực thi pháp luật về tài nguyên khoáng sản, chúng ta cũng không đánh đổi lợi ích lâu dài vì lợi ích kinh tế trước mắt...
Hồng Lam