17/03/2023 06:13
Ai bảo khi mua không tìm hiểu kỹ. Giờ còn ầm ĩ ở đây làm gì, hay ho lắm à? Tiếng một người đàn ông quát lên trong cửa hàng trên đường Trần Phú (thành phố Kon Tum) sáng 15/3. Mấy người tò mò dừng xe đứng nhìn.
Chuyện gì vậy cậu? Tôi hỏi một thanh niên. À, chị vợ anh này mua hàng, không xem kỹ hay sao đó, về kiểm tra lại thì trúng hàng nhái, đem ra trả lại thì cửa hàng không nhận vì không có hóa đơn, nhãn mác đã bị xé. Thế là to chuyện- cậu ta trả lời.
Lúc này thì người đàn ông nọ đã kéo được chị vợ ra. Có người dửng dưng đứng xem, có người hiếu kì bàn tán.
Có người chia sẻ, khuyên chị nọ kiện ra chính quyền. “Con kiến kiện củ khoai thôi ạ, biết đi đâu để kiện. Mình dại rồi thì ráng chịu. Coi như bỏ tiền ra mua một bài học”- chị tặc lưỡi.
Câu chuyện này cho thấy có nhiều vấn đề về bảo vệ quyền của người tiêu dùng hiện nay.
|
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua tháng 11/2010 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 và được kỳ vọng là tấm lá chắn để bảo vệ người tiêu dùng trước những hành vi xâm phạm đến quyền lợi của mình.
5 năm sau, ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg công nhận ngày 15/3 là Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành của tỉnh đã và đang có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt là sau khi Ban Bí thư Trung ương có Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 22/1/2019 “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 105-KH/TU, ngày 15/7/2019, chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2220/KH-UBND, ngày 26/8/2019 để lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện.
Một tiến bộ rất đáng ghi nhận là tháng 12/2018, Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh được thành lập (theo Quyết định số 597/QĐ-UBND ngày 6/12/2018 của UBND tỉnh). Mục tiêu chính là tư vấn và giải quyết ít nhất 90% các vụ khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng; thành lập tổ chức Hội trên địa bàn các huyện, thành phố; phát triển hội viên.
Tuy nhiên, trong thực tế công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng còn những hạn chế nhất định.
Đáng chú ý là nhận thức của người tiêu dùng chưa đầy đủ về quyền lợi của mình; ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng chưa cao.
Trên thực tế, đa số người tiêu dùng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình, như mua hàng phải lấy hóa đơn; xem xét kỹ xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng của sản phẩm; khi mua hàng thì quan tâm giá rẻ, mẫu mã đẹp hơn chất lượng hàng hóa.
Tất cả những hành vi ấy, vô hình chung tạo cơ hội cho hàng hóa “phi tiêu chuẩn” có “đất sống”.
Ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng chưa có thói quen đấu tranh hay phản ứng quyết liệt mà chấp nhận thua thiệt, nên dễ bị các nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng, xâm phạm đến quyền lợi. Từ đó chưa tạo được sức mạnh “buộc” các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không chân chính tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đối với người tiêu dùng.
Không ít người tiêu dùng vẫn giữ thói quen tiện là ghé mua, giá cả rẻ là được, chẳng quan tâm xuất xứ, chất lượng.
Theo một doanh nghiệp, đây cũng là nguyên nhân chính khiến các nhà sản xuất thực phẩm đầu tư một cách bài bản, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe rất khó cạnh tranh với sản phẩm có giá rẻ, không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, hội bảo vệ người tiêu dùng chưa phát huy được vai trò của mình; bộ máy chưa được mở rộng từ tỉnh đến huyện; mức độ trợ giúp đối với người tiêu dùng còn rất hạn chế.
|
Nhân tiện xin nhắc đến một câu chuyện khác. Dù Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh đã được thành lập 5 năm nay, nhưng khi được tôi gợi ý có thể kiến nghị lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh và yêu cầu được bảo vệ quyền lợi của mình, thì nhiều người đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết có tổ chức này.
Rõ ràng là để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi có hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ. Trong đó bao gồm tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Đảm bảo khi hàng hóa, dịch vụ đưa đến tay người tiêu dùng có chất lượng đúng như giá trị của nó, chống lại thủ đoạn “treo đầu dê bán thịt chó” của một số nhà sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ.
Xây dựng mạng lưới giám sát thực thi pháp luật nhiều chiều, nhiều tầng. Mạng lưới này không chỉ gồm các cơ quan thực thi pháp luật mà còn phải gồm các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, các hội đoàn thể. Có như vậy mới có thể đấu tranh hiệu quả chống lại nạn hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, chống lừa đảo trong đo lường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trang bị cho người tiêu dùng kiến thức để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc tăng cường thông tin, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật. Cung cấp cho người tiêu dùng kiến thức, kỹ năng bảo vệ quyền lợi của mình trước các thủ đoạn lừa đảo, ép buộc từ phía những nhà sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ.
Cùng với việc Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế, thì chính người tiêu dùng cần chủ động nâng cao khả năng tự bảo vệ của mình. Trong đó, chủ động học hỏi để trở nên “thông thái”; trang bị thêm các kiến thức pháp luật về quyền của người tiêu dùng để chủ động bảo vệ quyền lợi khi cần.
Lời khuyên của các chuyên gia là nên tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa, vì tại những địa chỉ bán hàng uy tín, người tiêu dùng có thể dễ dàng khiếu nại nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Giữ lại các loại hóa đơn chứng từ mua hàng, phiếu bảo hành để phòng khi cần.
Ngay cả khi mua hàng online, người tiêu dùng cũng phải có địa chỉ chính xác của các trang mạng bán hàng và phải kiểm tra địa chỉ đó còn tồn tại hay không.
Đừng nghĩ đây là những “chuyện nhỏ”. Chúng có ý nghĩa rất quan trọng khi chúng ta gặp rắc rối liên quan đến quyền lợi của mình.
Hồng Lam