Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững

27/12/2022 13:02

Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển không gian đô thị luôn có vai trò quan trọng đối với địa phương, vùng và đất nước. Trước yêu cầu đặt ra, tỉnh ta xác định việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc. 

Kết luận 45-KL/TW, ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đánh giá: Bước đầu hình thành các hành lang kinh tế trên địa bàn các vùng, liên vùng, nhất là các hành lang gắn với các đô thị lớn. Không gian đô thị được mở rộng, dần hình thành mạng lưới đô thị, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn thuộc các ngành, lĩnh vực quan trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm xây dựng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, năng lượng, đô thị, thông tin và truyền thông, cùng nhiều công trình hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, tạo diện mạo mới cho đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính, liên kết vùng còn nhiều bất cập. Đầu tư phát triển còn dàn trải; chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ các vùng động lực có vai trò đi đầu, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước. Quy hoạch phát triển các ngành còn thiếu đồng bộ, liên kết.

Không gian đô thị thành phố Kon Tum mở rộng về hướng bờ Nam sông Đăk Bla. Ảnh: V.N

 

Đồng hành cùng với cả nước, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và đầu tư phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng  điểm, góp phần tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội. Việc phát triển đô thị cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dân cư giữa các vùng, khu vực đô thị và nông thôn theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quỹ đất xây dựng được bố trí phù hợp và sử dụng hiệu quả hơn; cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội được quan tâm đầu tư, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với cải tạo, xây dựng mới các đô thị.

Song, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, yếu kém: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đạt thấp, một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai lập, thực hiện giữa quy hoạch xây dựng với phát triển quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng bộ, thống nhất. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa hoàn thiện. Nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị chưa đảm bảo.

Trước yêu cầu đặt ra, Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 23/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI “về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu chung: Kết cấu hạ tầng được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh và bền vững, giữ vai trò động lực thúc đẩy và đóng góp quan trọng vào quy mô kinh tế của tỉnh. Chất lượng cuộc sống tại đô thị ở mức cao, văn minh gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng.

Trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum. Ảnh: VN

 

Theo đó, tỉnh ta đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa tối thiểu 45%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt trên 1%. Toàn tỉnh  có từ 11 - 13 đô thị, trong đó có 1 độ thị loại II (thành phố Kon Tum), 4 đô thị loại IV (thị xã Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà, thị trấn Sa Thầy), 6 đến 8 đô thị loại V (thị trấn Đăk Rve, thị trấn Măng Đen, thị trấn Kon Rẫy, thị trấn Đăk Glei, thị trấn Tu Mơ Rông, thị trấn Ia H’Drai; dự kiến thành lập mới từ 1 đến 2 độ thị loại V tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và tại xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (đối với các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới) các đô thị đạt 100%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%. 

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, tỉnh đặt ra nhiệm vụ và các nhóm giải pháp chủ yếu như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trên. Tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển đô thị; tập trung xây dựng, phát triển đô thị đáp ứng bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đẩy mạnh phát triển hệ thống nhà ở, hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh trật tự tại các đô thị.    

Văn Nhiên

Chuyên mục khác